Dăk Bla (tên đầy đủ xưa của người Ba Na là Dăk Krong Bơlăh - con sông nước lớn) khởi thủy từ thượng nguồn Polei Breng rồi xuôi về YaLy, Kon Tum. Tri âm tri kỷ, Dăk Bla dặt dìu chở nặng những tầng trầm tích văn hóa các cư dân Ba Na, Jơ Rai, Xê Đăng, Rơ Măm, Rơ Ngao… Dăk Bla, dòng sông chảy ngược độc nhất vô nhị ở Việt Nam, chảy từ đông sang tây... và vắt ngang thành phố Kon Tum, thành phố cực bắc Tây nguyên nơi có Chánh tòa - nhà thờ gỗ nổi tiếng với tháp chuông sừng sững giữa trời xanh.
Nhà thờ được xây dựng năm 1913, sau gần 6 năm mới hoàn thành. Công trình liên hoàn từ giáo đường đến phòng khách, phòng làm sản phẩm thổ cẩm, mộc… của các dân tộc bản địa và bảo tàng văn hóa Tây nguyên.
< Nhà thờ gỗ nổi tiếng xây dựng năm 1913.Đặc biệt, công trình hòa trộn giữa phong cách Roma châu Âu và kiến trúc nhà sàn người Ba Na này không làm bằng bêtông cốt thép hay vôi vữa mà toàn bằng gỗ quý như cà chit, vách dựng bằng rơm nhồi đất. Những dãy cột gỗ lớn, những hoa văn, họa tiết mộc mạc càng tôn lên không gian phóng khoáng của cao nguyên, gần gũi mà trang nghiêm.
Rời nhà thờ gỗ, qua Dăk Bla bằng chiếc cầu treo Kon Klor bạn sẽ chạm vào đất làng Kon Klor của người Ba Na. Chiếc cầu treo đẹp nhất Tây nguyên là sự nối kết giao hòa văn hóa thị thành và văn hóa làng. Nhưng với Dăk Bla, làng nối làng, làng nối nương rẫy chủ yếu không phải những cây cầu mà là những cặp xe bò ngụp sông, những chiếc thuyền độc mộc vượt qua ghềnh thác.
Sáng sớm, chiều tà, hàng chục con bò khỏe kéo xe chở các sản vật nương rẫy cắt dòng nước xiết trong lấp lánh nắng cao nguyên. Còn thuyền độc mộc là phương tiện gắn bó xưa xa nhất của cư dân bản địa, chung thủy sắt son và bình dị với đời người - đời sông.
< Kon Klor - cầu treo đẹp nhất Tây nguyên.Thuyền được chế tác từ một khúc gỗ nguyên khoét ruột, có chiều dài khoảng 5m, chiều rộng nửa mét. Thuyền là phương tiện đi lại, thả lưới đơm cá, giăng bẫy bắt chim. Thuyền còn là không gian trữ tình của những điệu hò sông nước khi các chàng trai Ba Na cất lên gửi vào gió núi để trao nghĩa với bạn tình.
Thuyền thon hình chiếc lá rừng, chẳng màu mè lòe loẹt, tròng trành giữa xoáy nước nhưng luôn an toàn bởi sự lèo lái điệu nghệ của con người.
Qua hữu ngạn cầu Kon Klor, ngược hướng mặt trời neo đỉnh núi Kong Muk là đến làng Kon JơDri, xã Dăk Rơ Wa. Vùng đất này xưa rực vàng hoa mai (jơdri), nay là làng có nhà rông đẹp nhất, có đội cồng chiêng chơi hay nhất trong vùng. Với làng, nhà rông là linh hồn, là trái tim. Nhà rông hội tụ những giá trị tinh thần và ý nghĩa tâm linh, thiêng liêng mà lắng sâu.
Không gian của nhà rông không chỉ là địa điểm quần tụ của tất cả lũ làng trong những giờ sinh hoạt cộng đồng mà còn luôn là nơi lũ trẻ treo giấc mơ trên cao vút mái nhà giữa trời xanh, là nơi lung linh đồng vọng của những câu chuyện sử thi cổ xưa giữa những bạn già tâm giao. Với người Ba Na, xa nhà rông thì nhớ, đến với nhà rông thì vui.
Xuôi đường đất bazan vào sâu nữa là làng cổ Kon Ktu, nép bên bờ Dăk Bla. Làng là địa chỉ không thể thiếu của các tour du lịch quốc tế mỗi khi đến đất Kon Tum.
Du khách đến đây được nghỉ lại đêm tại nhà rông để chiêm ngưỡng và đắm mình trong bản sắc văn hóa Ba Na: nồng say men rượu cần, mê hoặc điệu múa xoan, mênh mang lời khan và âm vang cồng chiêng trong bập bùng ngọn lửa…
< Nơi đây lắng một lời nguyền giữ ngọn lửa để cùng nhà rông duy trì sự sinh tồn của cộng đồng Kon Ktu.Làng Kon Ktu có nhiều ngôi nhà sàn truyền thống làm bằng gỗ dựng trên nền đất hình chữ nhật hoặc hình vuông. Cầu thang lên nhà thường là thân cây đẽo gọt công phu và bức vách dày chắc bằng đất trộn rơm. Trong đó ngôi nhà rông Kon Ktu cao tới 22m với mái nhà trông như lưỡi rìu lật ngược vút lên trời cao, gần gũi mà linh thiêng huyền bí.
Ktu, tiếng Ba Na là nguyên sơ, Kon Ktu hiện còn lưu giữ hình thức tín ngưỡng cổ là lễ bắt giọt nước (Dăk K’lang T’nglang). Giữa trung tâm ngôi nhà sàn của người Ba Na là bếp lửa luôn luôn đỏ than, vị trí này thường diễn ra những sinh hoạt của các thành viên trong gia đình.
Và làng cổ Kon Ktu theo chúng tôi về xuôi với những dư ba vừa gần gũi, thân thương vừa thiêng liêng, huyền bí. Ở đó tiềm tàng những trầm tích văn hóa sông Dăk Bla vô giá. Càng trân quý khi mỗi ngày, những nét văn hóa lung linh ấy vẫn được 549 người con của 99 hộ trong làng nối đời giữ gìn và lưu truyền…
Theo Dulich Tuoitre
Ý kiến bạn đọc [ 0 ]
Ý kiến của bạn