Nhắc tới Ninh Hiệp, người ta thường nghĩ ngay tới khu chợ vải sầm uất nổi tiếng ngoại thành Hà Nội. Không nhiều người biết rằng đây chính là quê ngoại công chúa Ngọc Hân và tồn tại một ngôi chùa nổi tiếng - chùa Nành.< Cổng ngũ môn.Chùa Nành cùng với chùa Dâu, chùa Keo, chùa Đậu là bốn ngôi chùa thờ Tứ pháp lớn nhất ở miền Bắc. Chùa nằm tại thôn Phù Ninh (làng Nành) thuộc xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm, cách trung tâm thành phố Hà Nội chừng 20 cây số. Đến đây, bạn thật sự cảm nhận được sự thanh tịnh, trầm mặc của chốn tu hành: mái ngói lợp phủ màu thời gian; những cây cột gỗ mộc mạc; những cánh cửa, chấn song gỗ tựa như trong những thước phim tư liệu cũ…
Được xây dựng từ thời Lý, tên gọi chính thống của chùa Nành là chùa Pháp Vân. Người dân trong vùng còn gọi bằng một cái tên dân dã hơn là chùa Cả bởi đây là chùa lớn nhất trong số ba ngôi chùa của Ninh Hiệp gồm chùa Pháp Vân, Khánh Ninh và Đại Bi.
< Thủy đình.Trải qua nhiều lần trùng tu, song kiến trúc chùa Nành vẫn giữ được dáng vẻ kiến trúc thời Lê với rất nhiều pho tượng.
Mỗi pho tượng đều mang một dáng vẻ, một khuôn mặt riêng rất sinh động. Trong các ngôi chùa Tứ pháp, tượng các nữ thần được tạc với kích thước to lớn hơn rất nhiều so với các tượng Phật.
< Cổng phụ vào chùa.Hệ thống chùa Tứ pháp là chứng tích cho sự kết hợp giữa Phật giáo với các tín ngưỡng dân gian có nguồn gốc nguyên thủy ở Việt Nam. Phía trước chùa có thủy đình, ngũ môn, tiền đường, tiếp đến là cầu, tam bảo, tả vu, hữu vu, nhà tổ và phía sau là điện Mẫu cùng khu phụ.
< Tiền đường chùa Pháp Vân.Chúng tôi đến chùa vào một ngày nắng đẹp, bóng cây cổ thụ cùng mặt nước hồ xanh ngắt làm dịu đi cái nắng cho khách vãn du chùa. Tòa thủy đình tương truyền được bà Nguyên phi Nguyễn Thị Huyền - mẹ công chúa Ngọc Hân - cho chuyển từ chùa Đồng Mắn về dựng trước tòa tiền đường chùa Pháp Vân vào thế kỷ 18. Nếu đến chùa vào những ngày lễ hội (mồng 4 - mồng 6 tháng 2 âm lịch), bạn sẽ được xem những màn múa rối nước rất hấp dẫn tại đây.
< Nhà bia gian hữu tiền đường.Cổng ngũ môn của chùa được xây hai tầng kiểu vòm cuốn bằng chất liệu đá xanh, là cổng chính vào chùa, thường mở trong những ngày lễ hội. Còn ngày thường, khách qua lại và người dân trong vùng sẽ đi qua lối cổng phụ.
Một trong những nét kiến trúc rất độc đáo, chỉ bắt gặp ở chùa Nành là tiền đường gồm bảy gian hai dĩ. Trên nóc tiền đường, sát về phía hai bên hồi được xây nổi hai góc mái nhỏ làm gác chuông và gác khánh. Mỗi góc gồm bốn mái với bốn đao cong vút tỏa ra bốn phía. Nằm giữa hai góc mái là đôi rồng chầu mặt nguyệt lớn, tạo cho tổng thể kiến trúc uy nghi, đường bệ mà vẫn gần gũi với đời thường.
< Hoa văn chạm trổ.Từ tiền đường, đi qua nhà giải vũ hai bên tả hữu sẽ xuống điện Mẫu. Nữ thần mây (Pháp Vân) thờ ở chùa Nành nên còn được gọi là bà Nành. Trong chùa có tổng cộng 116 bức tượng, bao gồm tượng Phật, tượng Mẫu, tượng Hậu được tạo tác tỉ mỉ. Nhiều bức tượng mang niên đại nghệ thuật cuối thế kỷ 17, tiếp đến là những tượng của thế kỷ 18, 19.
Ở hành lang chùa có tượng 18 vị la hán. Trong số này có một bức tượng tạc từ đá tự nhiên. Nét riêng biệt này chỉ bắt gặp ở chùa Pháp Vân, thể hiện chất nghệ thuật truyền thống riêng của người Việt. Ngoài ra, trong chùa còn có hệ thống di vật rất phong phú về thể loại và chất liệu như bia đá, chuông đồng, thần phả, sắc phong của nhiều triều đại.
Sự phát triển của chợ Nành (chuyên bán các mặt hàng vải vóc, quần áo) đã làm thay đổi không gian chùa. Đường vào bị một số hộ dân chiếm dụng để bán hàng, cổng chính bị che khuất bởi rất nhiều lều bạt. Nếu nhìn từ bên ngoài, không để ý kỹ có thể không nhận ra khuôn viên chùa.
Khi chúng tôi đến, dù đã có tìm hiểu trước thông tin nhưng vẫn phải hỏi người dân địa phương mới tìm được lối vào chùa. Để ý kỹ phía bên trái có thể thấy tấm bia đề chữ Hạ mã (xuống ngựa, ý nói xuống xe) nằm ngay trong quán bán hàng ăn phía sau. Đó cũng chính là một lý do khiến chùa Nành tuy mang nhiều giá trị về lịch sử, tôn giáo và nghệ thuật nhưng vẫn chưa được nhiều người biết đến.
Chùa được người dân trong làng sửa sang lại vào năm 1976 và được Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử năm 1989. Mái chùa rêu phong cùng những cột gỗ pha màu thời gian vẫn thầm lặng dõi theo dòng chảy của cuộc sống...
Theo TTO
Ý kiến bạn đọc [ 0 ]
Ý kiến của bạn