Viêm xoang là một bệnh thường gặp, nhất là khi mùa mưa tới, hay mắc đi mắc lại. Triệu chứng gồm:
- Nhức đầu vùng xoang trán, giữa hai lông mày, trong tư thế đứng hay ngồi.
- Chảy nước mũi, lúc đầu dịch loãng trong (thường gặp trong viêm xoang do dị ứng), sau đó dịch đặc màu vàng hoặc xanh. Dịch có thể chảy ra theo đường mũi hoặc chảy xuống họng làm bệnh nhân phải luôn khạc nhổ.
- Ho từng cơn vào ban đêm khiến người bệnh mất ngủ.
- Ngạt tắc mũi có thể từng lúc hoặc liên tục, kèm theo hắt hơi cũng làm cho bệnh nhân mất ngủ.
Tại chỗ: Trong viêm xoang, niêm mạc vùng xoang bị viêm sung huyết, tăng tiết chất nhầy làm tắc nghẽn sự lưu thông không khí bình thường của xoang, nên tất cả mọi biện pháp cũng đều nhằm làm phục hồi sự dẫn lưu của các xoang. Điều này rất quan trọng vì khi các xoang được thông sẽ ngăn chặn được sự ứ đọng các chất tiết gây nhiễm khuẩn.
Hít hơi nóng: Mục đích là duy trì nhu động cho nhung mao niêm mạc xoang, giúp chất nhờn được lưu thông và các xoang được dẫn lưu. Cách mà dân gian hay làm là mua một ít lá xông trong đó có bạc hà về nấu, xông cả người hoặc múc ra một bát lớn nước xông tỏa hơi, hít hơi nóng bốc lên, đầu phủ một khăn tắm lớn. Có thể thay thế bó lá xông bằng nhỏ một vài giọt dầu gió hoặc dầu có bạc hà, quế vào một bát nước sôi cũng có tác dụng tương tự.
Rửa hốc mũi bằng nước muối sinh lý: Bệnh nhân bị viêm xoang nên rửa từng bên mũi bằng nước muối sinh lý 0,9% có bán tại các nhà thuốc, hay tự pha một thìa cà phê muối vào hai tách nước ấm kèm theo một nhúm bicarbonat. Rót nước muối vào một bát đủ rộng, ngửa đầu ra sau, bịt một bên lỗ mũi, hít nước vào lỗ mũi bên kia, rồi nhẹ nhàng hỉ mũi ra. Đổi bên lỗ mũi và cũng làm tương tự.
Hỉ mũi đúng cách: Người bị viêm xoang hay khụt khịt do cảm thấy chất nhầy tiết ra. Để giúp chất nhầy dễ thoát ra ngoài xoang, nên hỉ mỗi lần từng bên lỗ mũi, giúp tống vi khuẩn ra ngoài. Không nên hỉ cả hai bên lỗ mũi cùng một lúc vì sẽ làm tăng áp suất ở tai trong, đưa ngược vi khuẩn vào sâu hơn trong xoang. Khi hỉ mũi, nên dùng khăn hoặc giấy vệ sinh dùng một lần rồi vứt bỏ.
Massage và đắp nước nóng tại chỗ hai bên sống mũi giữa hai lông mày, có thể đắp khăn mặt nóng lên mắt, trán, hai gò má nếu xoang vùng đó đau. Ngoài ra, có thể người bệnh tự bấm huyệt vừa có tác dụng lưu thông máu ở vùng xoang đó vừa giảm đau.
Một số cách bấm huyệt:
- Dùng hai ngón tay bấm, sau đó day hai huyệt nghinh hương (nằm cách hai bên cánh mũi khoảng nửa phân) 1-2 phút cho đến khi cảm thấy nặng tức ở huyệt vị. Sau đó trở ngón tay, dùng mặt bên bấm khoảng giữa hai bên mũi nơi tiếp giáp xương và phần mềm, bấm nhẹ 1-2 phút.
- Hai tay vuốt từ dưới lên dừng lại ở hai huyệt nghinh hương, bấm khoảng 3 phút, sau đó dùng mặt trong hai ngón cái vuốt từ giữa trán đến chân tóc hai bên khoảng 10-20 lần, đồng thời bấm hai huyệt thái dương (nằm ở chỗ lõm hai bên thái dương, cách hai bên đuôi mắt khoảng 1-1,5 phân).
- Dùng hai ngón trỏ vuốt xung quanh hốc mắt, mũi tắc, bấm khoảng giữa hai bên mũi, day huyệt nghinh hương, nhân trung (nằm rãnh nhân trung giữa hai lỗ mũi) 3-10 phút.
- Lá dâu 9 g, hoa cúc 6 g, hạnh nhân ngọt 6 g, gạo tẻ 50 g. Sắc thuốc lá dâu và hoa cúc, bỏ cặn lấy nước nấu cháo với hạnh nhân và gạo tẻ, mỗi ngày một thang, dùng liên tục vài lần.
- Mai rùa (quy bản) 15 g, thục địa 9 g, trần bì 6 g, mật ong liều lượng thích hợp. Cho các vị thuốc vào sắc rồi uống với mật ong, mỗi ngày một thang, dùng 5-10 thang liên tục.
Ý kiến bạn đọc [ 0 ]
Ý kiến của bạn