Để rượu thuốc đích thực là thuốc quý

Thứ Ba, 31 tháng 5, 2011
Sức khỏe - Dân trí:
Thứ Ba, 31/05/2011 - 13:05

Không thể phủ nhận vai trò của rượu thuốc trong việc giúp cải thiện sức khỏe con người. Nhưng các bác sĩ cũng cảnh báo tình trạng “mê” rượu thuốc đến mức xem nó như “thần dược” giúp người ta “trẻ mãi không già” thì tuyệt đại đa số sẽ gặp phải tìng trạng “tiền mất tật mang”!
>> Bệnh vì rượu thuốc



Theo Lương y Vũ Quốc Trung (Hội Đông y Hà Nội) từ xa xưa, rượu có rất nhiều tác dụng tốt đối với sức khoẻ con người cũng như trong y học. Trong y học cổ truyền, rượu dùng để dẫn thuốc chữa bệnh. Rượu cung cấp cho cơ thể năng lượng, góp phần lưu thông huyết mạch. Nếu những người bị bệnh tim mạch dùng một ly nhỏ trước khi đi ngủ, tăng chuyển hoá cho cơ thể thì có thể mang lại hiệu quả tốt. Các loại thuốc có tính hàn khi gặp rượu trở nên ôn hơn vì vậy rượu được dùng rất nhiều trong điều trị bệnh.

Tuy nhiên, vì rượu thuốc cũng là dược phẩm nên khi dùng phải tuân thủ nguyên tắc: Đúng bệnh, đúng người và đúng liều lượng, không được tùy tiện và thái quá. Nếu để trị bệnh, trước hết người bệnh phải được thầy thuốc chuyên khoa khám tỉ mỉ và chẩn đoán chính xác, sau đó mới chọn phương và bào chế rượu thuốc cho phù hợp. “Cùng là bệnh liệt dương, nhưng với những người thuộc thể bệnh âm hư thì loại dược tửu chọn dùng hoàn toàn khác so với thể bệnh dương hư... Nếu để bồi bổ với mục đích bảo vệ và nâng cao sức khỏe thì cũng phải căn cứ vào các đặc điểm của người dùng như tuổi tác, giới tính, thể chất... Chỉ trên cơ sở chẩn bệnh một cách biện chứng mới có thể lựa chọn và điều chế rượu thuốc phù hợp và có chất lượng. Ngược lại, nếu chẩn bệnh sai thì khi dùng sẽ không có tác dụng, thậm chí có thể gây hại”, Lương y Vũ QuốcTrung phân tích.

Ngay cả rượu rắn thường được dân gian ca tụng là loại thuốc bổ rất nhiều tác dụng thì không phải ai cũng dùng được. Theo BS Nguyễn Xuân Hướng, Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam, lâu nay người dân hay đồn thổi uống rượu rắn giúp bổ dương nhưng đây là quan niệm sai lầm. Rượu rắn chủ yếu chữa chứng phong, không bổ gì và không điều trị được thấp. Việc ngâm rượu rắn phải được sự chỉ định của thầy thuốc, nếu người dùng tự ngâm thì không ít trường hợp sẽ lợi bất cập hại. Ngay cả chuyện ngâm bìm bịp cả con còn nguyên lông, cá ngựa, tay gấu, bào thai hươu... cũng chỉ mang thêm bệnh vào người. Một số vị thuốc tốt nhưng phải biết kết hợp với bài thuốc nào để tốt hơn. Với các con vật cũng cần phải lưu ý không ngâm động vật có nọc độc vào trong rượu để uống bởi chúng sẽ dẫn đến suy hô hấp, tím tái thân thể, ngưng thở và tử vong. “Đó là chưa kể việc người dân không tuân thủ đúng quy trình bào chế động vật để ngâm rượu. Tay gấu, tay hổ, bìm bìp... khi ngâm rượu để cả lông sẽ rất mất vệ sinh, người uống có thể bị tiêu chảy. Người uống rượu ngâm nhung hươu không được cạo sạch lông có nguy cơ bị viêm ruột. Việc sử dụng thịt, bộ phận sống của các động vật quý hiếm ngâm rượu sẽ không có gì bảo đảm là tốt cho sức khỏe bởi thịt sống sẽ bị phân hủy vào trong rượu, uống rất mất vệ sinh. Vì vậy việc ngâm tất cả các loại cây, loại con vật quý bổ cần có bài bản và hướng dẫn của thầy thuốc”- bác sĩ Hướng cảnh báo.

Các bác sĩ cho biết thêm có rất nhiều người sử dụng rượu thuốc ngâm các loài động vật quý hiếm để chiêu đãi bạn bè và họ thả sức uống. Nhưng với những loại rượu thuốc thường chỉ được uống với liều lượng rất ít, nếu uống tràn lan cũng có thể gây nguy hại đến sức khỏe. Theo bác sĩ Hướng, mỗi ngày chỉ nên uống các loại rượu ngâm tối đa là 20 ml, uống vào buổi tối là tốt nhất. Không nên uống rượu thuốc vào buổi sáng vì lúc này, đàn ông thường trong thể trạng dương khí vượng, uống vào sẽ khiến dương khí bị tản, lặp lại nhiều lần sẽ làm cho người chóng già, sinh bệnh. Ngoài ra, những người bị bệnh gan, thận, cao huyết áp, tim mạch, đái tháo đường... không được uống rượu ngâm, kể cả rượu ngâm các loài động vật quý hiếm.

Theo Minh Hằng

Sức khỏe & An toàn thực phẩm

dantri.com.vn:
Thứ Ba, 31/05/2011 - 07:53
Những người có bệnh viêm loét dạ dày tá tràng, viêm gan nhiễm mỡ, loạn thần thì tuyệt đối không sử dụng, dù đó là rượu thuốc.



Viêm gan vì rượu thuốc

Dân gian chúng ta vẫn hay sử dụng các loại rượu thuốc để bồi bổ sức khoẻ. Các loại rượu này có thể được ngâm tẩm với các loại cây con thuốc khác nhau với những mục đích công dụng khác nhau. Nhưng ở một chừng mực nào đó, rượu thuốc có thể gây ra những tác hại như những loại rượu khác.

Ông Nguyễn Văn H., 49 tuổi ở Hưng Yên là một “tửu nhân” của loại rượu này. Vốn là một người thuộc tầng lớp trí thức nên ông rất hay đọc sách báo. Thấy nhiều tài liệu ca ngợi những công dụng tuyệt vời của rượu thuốc, ông thích lắm. Lại được bạn bè mách là cây này, con kia tốt nên ông ra công sưu tầm và ngâm tẩm để hy vọng có thể có được những công dụng “đại bổ”. Ông có đến cả một phòng nhỏ để chứa rượu thuốc. Ông có đủ các loại từ tắc kè, rắn, lô hội, amakong, nhân sâm, linh chi... Thường ngày, hôm nào ông cũng uống, ít thì dăm bảy chén, nhiều thì có khi đến hết nửa chai. Đến cuối tuần lại là dịp để ông thể hiện với bạn bè. Ông lúc nào cũng là thủ lĩnh trong việc sử dụng rượu so với người đồng trang lứa cùng quê. Có lẽ khó mà có thể tìm thấy hôm nào ông không có rượu.

Nhưng hai tháng gần đây ông thấy mình yếu hẳn. Ông không còn dáng đi thần sắc như trước. Người ông lúc nào cũng thấy uể oải. Ăn uống không ngon miệng. Trước ông có thể đánh “bay” 3 bát cơm dễ như không nhưng nay thì phải cố gắng lắm mới được 2 bát, không thì chỉ hơn một bát là cùng. Thấy nước da của ông vàng bệch, sức khoẻ sa sút, trên da nổi nhiều mụn và vết xước, vợ con ông giục ông đi khám. Đến bệnh viện 103, ông được các bác sỹ ở đây chỉ định làm xét nghiệm “men gan” vì ông bị nghi ngờ viêm gan. Kết quả, men gan của ông cao hơn bình thường gấp 4-5 lần. Ông được chẩn đoán là viêm gan do rượu và bắt buộc phải điều trị. Trên thực tế, bổ từ rượu chưa thấy đâu, nhưng gan của ông đã bị viêm đến mức phải can thiệp điều trị

Những lưu ý khi sử dụng

Rượu thuốc được bào chế trên nguyên tắc sử dụng rượu làm dung môi để ngâm tẩm những thảo dược nhằm chiết xuất ra những hoạt chất sinh học trong những thảo dược này có tác dụng với sức khoẻ và chữa bệnh. Nhưng việc bào chế và sử dụng rượu thuốc cần có sự hướng dẫn của bác sỹ y học cổ truyền. Bởi lẽ, nếu không làm đúng quy chuẩn thì nồng độ hoạt tính có thể không được như mong muốn. Và mặc dù được công nhận là một phương thức điều trị hoặc hỗ trợ điều trị nhưng nếu sử dụng bừa bãi hoặc theo cảm tính thì có thể gánh lấy những hậu quả do chính rượu thuốc gây ra.

Khi sử dụng rượu thuốc quá liều thì chúng ta có thể bị những biến chứng bệnh lý như rượu thông thường. Viêm loét dạ dày, viêm gan, viêm tụy cấp là những căn bệnh thường gặp trong trường hợp này. Ở một khía cạnh khác, người bệnh có thể bị chứng nghiện rượu, loạn thần do rượu. Run tay, run chân, sức khoẻ suy giảm, chán ăn, tiêu hoá kém, đầy bụng, tiêu chảy, thay đổi tính tình, tư duy kém minh mẫn là những biểu hiện dễ thấy của chứng lạm dụng này. Khi có một hoặc nhiều các dấu hiệu trên thì nên đi khám để được xác định.

Không thể phủ nhận những tác dụng mà rượu thuốc có thể có nhưng cũng không phải vì thế mà chúng ta sử dụng không lưu ý. Nếu bạn là người có khả năng dung nạp thì mỗi bữa không quá một chén nhỏ và một ngày không quá ba chén nhỏ. Lượng rượu này đủ để tạo ra những tác dụng dược lý. Tốt nhất là không nên sử dụng nếu không có chỉ định y tế. Đặc biệt, những người có bệnh viêm loét dạ dày tá tràng, những người bị viêm gan nhiễm mỡ, loạn thần thì tuyệt đối không sử dụng, dù đó là rượu thuốc.

Theo Sức khỏe & An toàn thực phẩm
Xem thêm bài viết cùng chuyên mục: ,

Ý kiến bạn đọc [ 0 ]


Ý kiến của bạn