Cảnh báo bệnh thủy đậu đang phát triển và tấn công cả người lớn tuổi

Thứ Ba, 31 tháng 5, 2011
Cùng với dịch sởi, từ đầu năm 2009 đến nay bệnh thủy đậu cũng phát triển mạnh ở nhiều địa phương và tấn công cả những người lớn tuổi. Số người mắc thủy đậu nặng phải vào điều trị tại bệnh viện da liễu Hà Nội và Viện các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới quốc gia vẫn tiếp tục tăng.
Theo thống kê của Bệnh viện da liễu Hà Nội, trong tháng 1-2009 bệnh viện đã khám và điều trị cho 125 bệnh nhân thủy đậu, tháng 2 tăng lên gần 200 và vẫn tiếp tục gia tăng trong những ngày đầu tháng 3. Hiện nay mỗi ngày vẫn có khoảng 15 bệnh nhân thủy đậu đến khám tại bệnh viện, gồm cả người lớn và trẻ em. Khác với trước đây thủy đậu chỉ xảy ra ở trẻ em, năm nay số người lớn mắc bệnh chiếm tới 50% số bệnh nhân thủy đậu vào viện, có người bệnh đã 50 tuổi. Điều cần chú ý nữa là người lớn bị thủy đậu thường có những biểu hiện nặng (sốt nhiều, đau họng, mụn nước phồng to…) và những biến chứng cần phải điều trị tích cực.
 
Thời tiết mùa xuân và bệnh thủy đậu
Bệnh thủy đậu thường phát triển mạnh trong mùa rét. Mùa xuân ở miền Bắc nước ta thời tiết vẫn lạnh, có những năm mưa rét kéo dài đến hết mấy tháng xuân. Không khí lạnh và ẩm mùa này rất thuận lợi cho các bệnh đường hô hấp phát triển, trong đó có thủy đậu. Bệnh thủy đậu do  virut gây ra và lây theo đường hô hấp. Virut thủy đậu có nhiều trong đờm rãi, nước bọt, nước mũi người bệnh, bắn ra ngoài khi ho, hắt hơi, nói chuyện, làm những người khác sống xung quanh hít phải và bị lây bệnh. Virut này cũng có trong các nốt thủy đậu và làm lây bệnh cho người khác qua tiếp xúc trực tiếp hay gián tiếp (qua quần áo, giường chiếu…). Bệnh rất lây, nhất là ở những nơi đông trẻ em trong những tháng lạnh.
Thời kỳ ủ bệnh kéo dài từ 7 đến 18 ngày, sau đó bệnh nhân bị sốt trong vài ngày, có thể kèm theo sổ mũi, kém ăn… trước khi các nốt thủy đậu xuất hiện. Nốt thủy đậu lúc đầu chỉ là những nốt đỏ như ban sởi, nhưng chỉ mấy giờ sau sẽ nổi lên thành những mụn nước trong, rất nông, trông như những hạt sương đặt trên da, sau từ 24 đến 48 giờ thì ngả màu hơi vàng. Những mụn nước thủy đậu thường có hình một khối bán cầu, đường kính trên dưới 5mm, nổi trên mặt da khoảng 2mm, chung quanh có quầng da tấy đỏ khoảng 1mm. Các nốt này khô lại vào ngày thứ năm, thứ sáu, đóng vảy màu nâu sẫm, và bong vảy vào ngày thứ tám, thứ chín, không để lại sẹo, trừ khi bị gãi loét ra và bị bội nhiễm vi khuẩn.
Nốt thủy đậu có thể mọc khắp nơi: lưng, bụng, ngực, cổ, mặt, cánh tay, đùi, da đầu… trừ gan bàn chân, bàn tay, và mọc nhiều đợt, mỗi đợt cách nhau 2-3 ngày, do đó trên cùng một vùng da ta có thể thấy những nốt mới mọc còn là những mẩn đỏ, những mụn phỏng nước và cả những mụn đã đóng vẩy. Thường phải sau hai hoặc ba tuần lễ (có khi lâu hơn) bệnh mới hết hẳn.
 
Điều trị và chăm sóc người bệnh thủy đậu
Nói chung bệnh thủy đậu thường diễn biến nhẹ, tuy nhiên bệnh cũng có thể gây ra một số biến chứng, thường gặp nhất là biến chứng bội nhiễm vi khuẩn khiến các nốt thủy đậu mưng mủ lâu khỏi, và nếu không được chăm sóc chu đáo, từ những nốt thủy đậu bị bội nhiễm này vi khuẩn có thể lọt vào máu làm cho bệnh nhân sốt cao kéo dài, bệnh trở nên nặng, bệnh trở nên nặng, việc điều trị sẽ khó khăn, phức tạp hơn. Ngoài ra, trong những trường hợp nặng, nốt thủy đậu mọc dày, bệnh có thể gây một số biến chứng khác như viêm thận, viêm tai giữa, viêm phế quản-phối, viêm não, viêm loét giác mạc…
Về điều trị bệnh thủy đậu, đối với các trường hợp bệnh nhẹ (sốt ít, nốt thủy đậu thưa, sức khỏe toàn thân ít bị ảnh hưởng…) việc điều trị tương đối đơn giản, chỉ cần cách li người bệnh tại nhà cho đến khi khỏi hẳn, cho uống vitamin C, nhỏ mũi thuốc argyrol 1% ngày 2 lần, cho mặc quần áo vải mềm và rộng, tránh gãi nhiều làm loét và gây bội nhiễm các nốt thủy đậu. Không cần thiết phải dùng thuốc kháng sinh vì không có tác dụng đối với virut thủy đậu trừ khi bệnh có biến chứng hoặc bội nhiễm vi khuẩn.
Trường hợp bị sốt nhiều có thể cho dùng thuốc hạ nhiệt loại Paracetamol (hoặc Acetaminophen).
Trong việc điều trị và chăm sóc bệnh nhân thủy đậu, điều căn bản là đảm bảo vệ sinh da và niêm mạc, tránh để xảy ra các biến chứng.
Chú ý giữ gìn da luôn luôn sạch sẽ, quần áo phải thay giặt hàng ngày bằng xà phòng và nước sạch, nếu có điều kiện nên là trước khi mặc. Giữ bàn tay sạch, cắt ngắn móng tay, xoa bột talc vô khuẩn hoặc phấn rôm lên da cho đỡ ngứa. Khi nốt thủy đậu vỡ nên chấm thuốc xanh metylen để sát khuẩn.
Nếu thấy người bệnh sốt cao, các nốt thủy đậu mọc dày, bị bội nhiễm vi khuẩn lên mủ hoặc có hiện tượng hoại tử da, phải đưa ngay đến bệnh viện để các thầy thuốc giải quyết kịp thời biến chứng.
Theo Cây thuốc quý
Xem thêm bài viết cùng chuyên mục:

Ý kiến bạn đọc [ 0 ]


Ý kiến của bạn