NHỜ ĐỘNG VẬT… CON NGƯỜI PHÁT HIỆN RA MỘT SỐ THUỐC ĐÔNG Y

Thứ Ba, 31 tháng 5, 2011

Những con vật sống giữa thiên nhiên khắc nghiệt vẫn tồn tại và phát triển. Phải chăng các loài vật ấy có bí quyết gì? Theo những tài liệu nghiên cứu mới đây của nước ngoài thì động vật đã tự tìm các cây thuốc có sẵn trong thiên nhiên để chữa bệnh, tăng cường sức khoẻ. Những cây thuốc này đều là thuốc Đông y…
Tía tô có thể giải độc cá, cua, đó là bí truyền của Rái cá cho Hoa Đà. Tương truyền, Hoa Đà - một danh y thời cổ nhìn thấy một con Rái cá nuốt sống một con cá to nên bụng bị chướng rất khó chịu. Một con Rái cá già đã lấy cỏ dại mầu tím cho nó ăn và chẳng bao lâu con Rái cá khỏi bệnh. Hoa Đà đoán rằng cỏ dại mầu tím kia là một vị thuốc dùng chữa cho bệnh trúng độc cua cá. Ông hái về nghiên cứu, tìm hiểu và đúng như vậy. Ông gọi cỏ dại mầu tím này là Tử thư tức là Tía tô, lưu truyền lại đời sau.
Bạch dược Vân Nam nổi tiếng là do người hái thuốc Khúc Hoán Chương phát hiện từ “gợi ý” của Hổ vằn và Rắn. Trong một lần đi săn, Khúc Hoán Chương bắn được một con Hổ, ngay hôm sau cho người khiêng Hổ về nhưng đến nơi không thấy Hổ đâu. Anh ta liền lần theo dấu vết và phát hiện ra một thứ lá cây đã giúp con Hổ cầm được máu để trốn thoát. Một lần khác, Khúc Hoán Chương thấy một con Rắn bị người kiếm củi chém gần đứt phần đuôi, nó luồn vào bụi cây, ngoạm mấy cái lá nhả ra đắp vào chỗ bị thương thì máu không chảy nữa. Thấy thế, Khúc Hoán Chương  bèn lấy lá này cho thêm vào toa thuốc chữa trị bị tổn thương do ngã và bị đánh. Khi dùng để cầm máu thì rất hiệu nghiệm và trở thành Bạch dược Vân Nam nổi tiếng thế giới.
Có một vị thuốc chính chữa Rắn cắn gọi là Bán biên liên. Một thầy thuốc đi chữa bệnh, thấy một con Chó bị  Rắn cắn liền chạy vào rừng, ông ta đi theo thì thấy con Chó đang ăn một thứ lá cây trên vùng đất ẩm tối ở lưng núi. Sau khi ăn xong không còn thấy những triệu chứng bị  Rắn cắn nữa. Ông bèn hái lá thuốc ấy về nhận ra là “Bán biên liên” dùng chữa Rắn cắn khá hiệu quả.
Trong một khu rừng nọ ở Nga, người ta thường thấy có những con Lửng chó còn sống nằm bên cạnh tổ Kiến để cho bầy Kiến cắn. Hỏi ra, những con Lửng chó này đã khéo léo lợi dụng Kiến đốt để chữa bệnh phong thấp và bệnh ký sinh trùng. Ngày nay con người đã dùng những chế phẩm của nó để chữa bệnh phong thấp và tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.
Khi Kiến ăn, Kiến thường tha về tổ một số lá cây hoặc hạt cây, cất giữ ở nơi ẩm ướt. Vậy nguyên nhân nào dẫn tới việc đó? Những hạt và lá cây này là bào tử của nấm vi sinh vật. Bào tử có thể phát triển và tiết ra chất kháng khuẩn trong môi trường tối và ẩm, bảo đảm cho sức khoẻ của Kiến, và thức ăn không bị thối rữa. Các nhà khoa học Liên Xô đã thành công trong việc chiết xuất được chất kháng khuẩn mới từ trong nấm mà Kiến đã lựa chọn đem về.
Những con Vượn, con Khỉ sống ở vùng nhiệt đới, nếu cảm thấy mình khó chịu, khắp người lạnh run thì chúng liền đi gặm vỏ cây Canh ky na, bệnh sẽ nhanh chóng thuyên giảm. Con người sử dụng ký ninh phải chăng đã học ở Khỉ và Vượn.
Một ông lang (người dân tộc Hà Nhì ở Vân Nam – Trung Quốc) cắt đôi một con Rết lớn dài hơn 20cm, một con Rết khác bò tới, lượn quanh con Rết bị chặt đứt hai vòng rồi bò vào trong bụi cỏ tha một tầu lá tươi về phủ lên, con Rết bị cắn làm hai động đậy rồi từ từ bò. Ông nhặt tầu lá còn thừa đem về nhà, xem xét biết được đó là Tiếp cốt thảo. Ông liền lên núi hái một số lá, giã nát để chữa gẫy xương, kết quả bệnh nhân nào cũng chữa khỏi.
Có một loài Gà rừng gọi là Gà thổ tuy, khi bị cảm do nước mưa, gà mẹ liền  cho gà con ăn lá cây An tức hương. Sau khi ăn, gà con dần khỏi bệnh.
Mèo rừng bị bệnh đường ruột và dạ dầy thì ăn Cỏ tươi non. Báo biển sau khi bị thương thường ăn  một loại Hải tảo để chóng khỏi vết thương. Chó, Mèo nhà khi cảm thấy khó chịu thường ăn Cỏ tươi. Hươu, Nai bị trúng tên độc của người đi săn thường tìm cây Họ đậu để ăn giải độc. Các nhà động vật học cho rằng, việc “tự khám và chữa bệnh” của động vật là bản năng để chúng tồn tại và thích ứng với môi trường tự nhiên...
Theo Cây thuốc quý
Xem thêm bài viết cùng chuyên mục:

Ý kiến bạn đọc [ 0 ]


Ý kiến của bạn