Abu Simbel và cuộc giải cứu ngoạn mục
Chủ Nhật, 11 tháng 3, 2012
Ai Cập có quá nhiều di tích khảo cổ để khám phá và chỉ trong một chuyến đi hơn 10 ngày mà tôi có được, e rằng không thể thăm hết được. Vì thế, tôi chỉ chọn lọc những điểm quan trọng nhất mà tôi được biết đến. Đền Abu Simbell gây ấn tượng mạnh đối với tôi hồi còn học môn lịch sử kiến trúc thế giới và tôi quyết định đi du thuyền lên thượng nguồn sông Nile. Abu Simbell nổi tiếng cũng không phải vì có những điểm nổi bật hơn so với các di tích lịch sử khác của Ai Cập nhưng lại trở thành truyền thuyết nhờ vào sự sống sót ngoạt mục khỏi sự nhấn chìm của nước sông và sự cứu nguy của Unesco.
Đền Abu Simbell là một trong những công trình xây dựng của vua Pharaoh Ramesses II nhằm ghi lại những chiến công lừng lẫy của ông. Bên trong ngôi đền có thờ 3 vị thần bảo hộ nhà nước Ai Cập quan trọng là Amun–Re, Ptah và Re-Horakhty. Ngoài ra, chính bản thân Pharaoh Ramesses II cũng được sùng bái và thờ phụng ở đây ngay khi nhà vua vẫn còn sống. Phần lớn các tác phẩm chạm nổi bên trong ngôi đền đều thể hiện những khung cảnh lịch sử tưởng niệm các trận đánh của Ramesses II ở Syria, Libya và Nubia, trong khi các khung cảnh chi tiết khác thể hiện tính cách thần thánh của ông.
|
Nằm cách ngôi đền Abu Simbell lớn 120 m về phía Đông Bắc, ngôi đền Abu Simbell nhỏ thờ nữ thần Hathor và chính phi Nefertari của vua Ramesses II cũng là nơi rất đáng được tham quan. Ngôi đền này nằm ở Nubia (bên kia biên giới truyền thống ở miền nam Ai Cập nhưng nằm lọt trong khu vực do Ai Cập kiểm soát và quản lý hành chính vào thời bấy giờ). |
|
Người xưa đã chọn địa điểm này để xây dựng ngôi đền vì mặt đá ở đây không có vết nứt, thuộc loại sa thạch tốt, thích hợp cho việc xây dựng đền trong hang đá hướng về mặt trời mọc. |
|
Tôi thực sự bị cuốn hút bởi những tranh ảnh, bức tường, trụ cột chống đỡ và các pho tượng nghệ thuật bên trong ngôi đền được chạm khắc một cách tỉ mỉ và sống động. |
Cuộc giải cứu ngoạn mục
Cuộc giải cứu ngoạn mục bắt đầu vào năm 1959. Đền Abu Simbell nằm ngay cạnh đập nước Aswan nhưng chính sự có mặt của đập này, mực nước sông Nile tăng dần lên và có nguy cơ sẽ nhấn chìm toàn bộ ngôi đền. Vì thế, ngay từ năm 1959, cộng đồng quốc tế đã quyên góp nhiều nguồn tài chính để đầu tư vào kế hoạch di rời 100% ngôi đền sang một địa điểm khác cao hơn mực nước sông Nile.
Unesco có công lớn trong việc triệu hồi hàng loạt nhà khảo cổ, kỹ sư và kiến trúc sư cùng làm việc với nhau. Từ năm 1964 đến năm 1968, toàn bộ ngôi đền Abu Simbell được cắt xén ra từng khối đá khổng lồ nặng đến 30 tấn và dùng cần cẩu đưa lên chỗ cao hơn và lắp ráp lại như cũ. Một trò chơi Lego nhưng ở đẳng cấp cao hơn !!! Kể từ sự kiện giải cứu đền Abu Simbell, Unesco bắt đầu thực sự dấn thân vào lĩnh vực bảo tồn các di tích lịch sử văn hóa thế giơi và kế hoạch trùng tu Abu Simbell trở thành một bài học quan trọng nhất trong các khóa học về kiến trúc và xây dựng.
Ý kiến bạn đọc [ 0 ]
Ý kiến của bạn