Dạ Lê - Chợ nón nổi tiếng ở Huế

Thứ Bảy, 31 tháng 3, 2012
Đến Huế, hỏi già trẻ ai cũng biết có một cái chợ chuyên mua bán đủ loại nón Huế. Đó là chợ nón Dạ Lê (thuộc xã Thuỷ Văn, huyện Hương Thủy). Chợ Dạ Lê độc đáo nhất ở Huế, bởi vì mặt hàng duy nhất mua bán hàng ngày nơi đây chỉ toàn nón và nón… Hầu như những chiếc nón Huế đi ra khắp bốn phương trời đều khởi từ chợ nón Dạ Lê.

Chợ nón Dạ Lê xuất hiện hơn trăm năm rồi. Những chiếc nón bài thơ từ đây được làm quà và mang đến nhiều nơi trong nước và nước ngoài.Chợt thấy đâu đây thoảng mùi ngai ngái của lá tươi hòa quyện với mùi nồng nồng của dầu bóng, đấy là thứ mùi luôn vương vấn bên những người mẹ, người chị tảo tần một nắng hai sương.

"Dòng nước sông Hương chảy lặng lờ
Ngàn thông núi Ngự đứng như mơ
Gió cầu vương áo nàng tôn nữ
Quai lỏng nghiêng vành chiếc nón thơ..."

Nói đến Huế không thể không nói đến những chiếc nón bài thơ Dạ Lê và nghề chằm nón nơi này.

Chợ nón Dạ Lệ thường họp vào buổi sáng sớm. Khi mặt trời còn chưa soi tỏ, chợ nón đã khá đông vui. Vòng trong vòng ngoài chợ toàn nón, tiếng nói cười lao xao.

Quanh vùng này là các làng quê vừa làm nghề nông vừa thạo nghề chằm nón: Phú Mỹ, Phú An, Phú Hồ, Phú Xuân, Phú Lương, Thủy An, Thủy Thanh... Đến các làng nón, đâu đâu cũng thấy các chị, các em gái sớm hôm miệt mài bên khuôn nón. Chằm là công việc quyết định giá trị sản phẩm. Mũi khâu phải đều tăm tắp với đôi bàn khéo léo, thuần thục. Theo chị Thúy – một người thợ lành nghề: “Lúc chằm nón phải để tay trong tay ngoài và phối hợp nhịp nhàng như một cái máy may, mũi chằm mới đều, lá không rách, và mặt nón phẳng, không phồng rộp lên. Càng già dặn tay nghề càng chằm nhanh và đẹp, trong bóng tối vẫn chằm được nón”.

Nhiều năm trước, người dân muốn mua vật dụng hay bán nón đều phải cuốc bộ lên chợ Đông Ba, nhà nào gần nhất cũng mất hai giờ cả đi lẫn về. Muốn nhàn hạ thì ngồi xe lam, thuyền máy, nhưng sẽ hụt mất tiền công.

Thế nên chợ nón Dạ Lê ra đời tự phát, rồi ngày càng đông đảo, phồn thịnh. Chợ họp bên con sông, có chiếc cầu ván nối liền đôi bờ, đi bộ hay chèo ghe đều thuận tiện.

Chợ nón trước kia ở bên tả ngạn sông Như Ý thuộc xã Phú Mỹ (Phú Vang). Dần dần, do đường sá trải nhựa thuận tiện cho năm sáu xã lân cận thành phố chuyên nghề chằm nón, chợ đã dời hẳn sang bờ bên kia thuộc xã Thủy Vân (Hương Thủy). Ngày ngày, những người buôn nón từ thành phố Huế về bằng xe máy, nếu thu nón nhiều, họ thuê xe lam chở. Lái nón nam nữ ăn mặc sang trọng, túi xách căng phồng với hàng chục triệu đồng, bán mua trả tiền mặt sòng phẳng. Đã quen biết, họ còn tạm ứng tiền cho người làm nón đong gạo, mua vật dụng, kỳ sau trả bằng nón.

Tại chợ nón Dạ Lê, vây quanh là những quầy hàng là đủ loại kim chỉ, lá nón, soài, dầu nón, quai nón.

Bán xong nón, người thợ lại mua vật liệu về chằm. Chợ nón rất sạch sẽ, là chợ duy nhất tập trung buôn bán hàng nón và các mặt hàng liên quan nghề chằm nón truyền thống. Từ nơi đây, chiếc nón Huế đi khắp nơi mọi miền đất nước, ra cả nước ngoài. Chợ nón cũng thật đặc biệt, số đông là nữ giới họp chợ, họ ăn mặc và nói năng thanh lịch, chất phác và thuần hậu.

Dạ Lê là một chợ quê độc đáo bậc nhất ở Huế, có nề nếp, bán mua bình dị, mộc mạc, với các phiên chợ luôn rộn ràng, nhộn nhịp. Vượt thời gian, nét đằm thắm của chợ nón Dạ Lê còn mãi, như bắt nguồn từ cái duyên thầm của những người con gái Huế với nghề chằm nón.

By EmVân Pcworld-com.blogspot.com - Tổng hợp từ Danviet, Tuoitre Yeunuoc và nhiều nguồn khác
Xem thêm bài viết cùng chuyên mục: , ,

Ý kiến bạn đọc [ 0 ]


Ý kiến của bạn