Đến với miền cao Yên Bái, sẽ thật tiếc nếu bạn bỏ lỡ những đặc sản của tộc người thiểu số nơi đây.Ngoài những món phổ biến như mèn mén, thắng cố… còn có món ăn khá độc đáo khác, vừa lạ tai lại cũng rất lạ miệng, đó là món dòi cá của người Mông tại bản Công - một bản hẻo lánh của huyện Trạm Tấu.
Bạn có thể đi xe máy từ Hà Nội đến thị xã Nghĩa Lộ (khoảng 200km) và từ Nghĩa Lộ đến thị trấn Trạm Tấu (chặng đường này chỉ dài khoảng 30km nhưng ngoằn ngoèo, hiểm trở và phải mất khoảng 3-4 tiếng đồng hồ để vượt qua). Mệt mỏi nhất nhưng cũng là thú vị nhất là đoạn đường đi bộ hơn 5km từ thị trấn Trạm Tấu đến bản Công. Đoạn đường này, có thể đi được xe máy nhưng phải ngày nắng ráo, chứ gặp ngày mưa thì rất khó đi.
Ở đây cũng có cả “xe ôm”, nhưng toàn trai bản chạy xe cũng hãi lắm. Tốt nhất là bạn nên chọn cách đi bộ. Bạn đừng lo, sự mệt mỏi, ngột ngạt sau gần một ngày đường sẽ mau chóng xua tan khi bạn được tận hưởng không khí trong lành nơi độ cao hàng trăm mét và ngắm nhìn những thửa ruộng bậc thang tuyệt đẹp, nằm vắt vẻo bên sườn núi.
Chỉ có điều, bạn cần “thửa” cho mình một đôi giày “phượt” chuyên nghiệp, vừa nhẹ, vừa phải có độ ma sát cao và chớ mang theo nhiều đồ nghề lỉnh kỉnh (bạn có thể gửi đồ tại nhà trọ thị trấn Trạm Tấu). Lúc đó, bạn chỉ muốn thật thảnh thơi để giương ống kính ghi lại những hình ảnh tuyệt vời của thiên nhiên miền sơn cước.
Đoàn “du lịch thám hiểm” của chúng tôi có mặt tại bản Công lúc trời đã nhá nhem tối và xin ngủ nhờ một nhà dân. Buổi tối ở đây không có điện nên các thành viên trong đoàn phải nhờ ánh sáng từ các máy điện thoại để dùng bữa tối.
Ngoài 2 món chủ đạo là mèn mén và cháo ngô, anh chủ nhà tốt bụng còn mang món đặc sản “cá gác bếp” ra đãi khách. Anh giới thiệu: “Đây là đặc sản của bản đó.
Cá tươi được bắt dưới suối, sau đó mang về treo lên bếp đợi cho… con dòi vào ăn ruột cá. Để khoảng 3-5 ngày, khi nào cá khô lại, còn những chú dòi nhung nhúc béo căng tròn thì mới bỏ ra ăn, mà phải ăn chính những con dòi mềm nhũn đó mới ngon”.
Trước lời giới thiệu lạnh tanh đó, vài người trong đoàn dẫu vẫn còn ngần ngại, nhưng lại tò mò nên ai cũng muốn nếm thử. Quả thật, món ăn này khá đặc biệt, vừa có vị thơm bùi của cá, lại kèm vị béo ngậy, ngái ngái, khó tả. Đã thế trong miệng lại cứ lép bép, lép nhép nghe cũng lạ.
Thấy chúng tôi gật gù, gia chủ lại thêm phần hào hứng: “Món này phải uống với rượu ngâm lá rừng mới ngon”. Nói xong anh liền mang ra một bình rượu và cứ thế, thành viên trong đoàn cùng gia chủ “nhâm nhi” đến nửa khuya. Tuy vậy, vài người trong đoàn chúng tôi đã không đủ “bản lĩnh” để dùng món này. Nhưng nếu bạn có đến bản Công, thì đừng bỏ qua món này nhé, hãy “chơi tới cùng” vì nếu không bạn sẽ lại phải tự trách mình khi rời khỏi nơi đây.
Sáng hôm sau, trước khi ra về, anh chủ nhà còn bắt chúng tôi mang theo bằng được một con cá trong bụng có dòi về làm quà dưới xuôi, kèm theo lời dặn: “Con này mới để có 2 ngày, dòi chưa được béo cho lắm. Mấy anh để thêm vài ngày cho dòi béo tròn nhé, lúc đó nhắm rượu mới sướng”
By
EmVân Pcworld-com.blogspot.com - Theo ANTĐ, internet
Ý kiến bạn đọc [ 0 ]
Ý kiến của bạn