Bát Đoạn Cẩm

Thứ Sáu, 23 tháng 3, 2012
Bát Đoạn Cẩm là bài tập ngoại đan khí công (external elixir) đã có khoảng 1000 năm. Toàn bộ bài tập khởi đầu gồm 12 thế nhưng sau được thu gọn thành 8 thế. 
Bát Đoạn Cẩm giúp đả thông kinh mạch, luyện gân cốt, khai thông khí huyết khắp mọi nơi trong cơ thể giúp cho người tập có được một thân thể cường tráng, tiêu trừ bệnh tật, và một tinh thần minh mẫn sáng suốt.  Cũng chính vì giá trị nầy mà 8 thế tập đuợc mệnh danh là Bát Đoạn Cẩm có nghĩa là 8 đoạn gấm. 

Nói về nguồn gốc của Bát Đoạn Cẩm thì có hai truyền thuyết.  Một cho rằng Bát Đoạn Cẩm phát xuất từ chùa Thiếu Lâm do Đạt Ma Tổ Sư sáng tác nên được gọi là Bát Đoạn Cẩm Thiếu Lâm.  Và một thuyết khác cho rằng đây là bộ môn khí công do Nhạc Phi sáng tác vào niên đại nhà Tống khoảng năm (1127-1279 AD).   

Trải qua bao thế kỷ, Bát Đoạn Cẩm đã được biến đổi khá nhiều theo từng môn phái nhưng nói chung thì hình thức tuy có khác nhưng nội dung cốt tuỷ của sự luyện tập cũng đều gần giống như nhau. 
Điều thiết yếu mà người tập cần nên nhớ: giá trị quí báu của pháp tập là sự thấu hiểu thông suốt những kỹ thuật vận hành khí huyết, luyện gân cốt hơn là chú trọng vào hình thức bề ngoài.  Dụng thân tạo hình để luyện pháp chứ không chấp trụ vào hình tướng.  Thân pháp được tinh luyện nhẹ nhàng thì khí thông, khí thông thì thần sắc vững mạnh để đạt đến giai đoạn cuối cùng là “Tinh, Khí, Thần” hợp nhất, thân tâm tự tại.  Và kế đến cũng không kém phần quan trọng hơn nữa đó là sự cố gắng luyện công hằng ngày.  Công phu, công quả, công trình là 3 yếu tố dẫn đến sự thành tựu tốt đẹp trong quá trình luyện tập.


   Tám Đoạn của Bát Đoạn Cẩm:
   1. Lưỡng Thủ Kình Thiên Lý Tam Tiêu
   2. Tả Hữu Khai Cung Tự Xạ Điêu
   3. Điều Lý Tỳ Vị Đơn Cử Thủ
   4. Ngũ Lao Thất Thương Vọng Hậu Tiền
   5. Dao Đầu Bài Vĩ Khử Tâm Hỏa
   6. Lưỡng Thủ Phan Túc Cố Thận Eo
   7. Vận Quyền Nộ Mục Tăng Khí Lực
   8. Kiễng Túc Nâng Đầu Tiêu Bá Bệnh   


Tác Dụng và Phương Pháp Tập Luyện
    1.    Lưỡng Thủ Kình Thiên Lý Tam Tiêu
             (Hai tay chống trời điều hòa tam tiêu) 


Tác dụng:
Tam tiêu bao gồm thượng tiêu, trung tiêu và hạ tiêu.
Thượng tiêu: vị trí từ đầu cho đến hoành cách mô liên quan đến hệ tuần hoàn và hô hấp.
Trung tiêu: vị trí từ hoành cách mô cho đến rún liên quan đến hệ tiêu hóa.
Hạ tiêu: vị trí từ rún cho đến bộ phận sinh dục liên quan đến hệ bài tiết. 
Luyện thông tam tiêu giúp hành giả có được trí tuệ minh mẫn, sáng suốt, ăn ngon ngủ yên, một cơ thể cường tráng tiêu trừ các bệnh tật.
Hơn nữa “nhờ phương pháp kéo thẳng cả người lên trên làm giãn cột sống nên cũng giúp điều trị được chứng mỏi lưng.” 
Động Tác: 
Đứng thẳng người, tự nhiên, khoảng cách giữa hai chân bằng chiều rộng của đôi vai, hai tay thả lỏng hai bên hông.  Nhắm mắt, tâm bình thản, điều thân và điều tức.
Mở mắt nhìn phía trước, hít thở tự nhiên và nhẹ.  Tập trung thần nơi ấn đường (giữa hai mắt hay còn được gọi là đan điền thần), trầm khí xuống đan điền (khí hải).  Hít nhẹ, cùng lúc hai bàn tay đan lại từ từ đưa lên ngang ngực, chuyển lưng bàn tay hướng phía trước, thở ra, tiếp tục đưa thẳng hai tay qua khỏi đầu, lòng bàn tay hướng lên cao, thẳng lưng, nhón gót chân (hít vào), tiếp tục đẩy hai tay như nâng chống vòm trời chừng độ mươi giây.  Sau đó rớt hai gót chân xuống (thở ra), hai bàn tay vẫn đan nhau và hai tay hơi chùn xuống, hít nhẹ vào, nghiêng người qua trái, thở ra, trở về chính giữa, hít vào, nghiêng người qua phải, thở ra.
Hạ hai tay xuống trở về tư thế lúc ban đầu. 
Lập lại thao tác nầy từ 6 đến 24 lần.
2.    Tả Hữu Khai Cung Tự Xạ Điêu
             (Trái phải giương cung như bắn chim điêu)


Tác dụng:
Luyện thần (nhắm bắn chim điêu), tăng cường chức năng phổi (ngực căng ra khi bắn), gia tăng khí lực nơi tay (giương cung) và đới mạch (giúp khí thông hai bên thận).  Đồng thời cũng giúp cho đôi chân được khoẻ mạnh cứng cáp qua thế đứng trung bình tấn hay còn gọi là kỵ mã tấn. 
Động Tác: 
Bước chân phải qua bên phải lập tấn, trung bình tấn.  Hai tay thả lỏng và nâng lên trước ngực, hai bàn tay chấp lại.  Nghiêng người qua trái, hít vào, tách hai tay ra, bàn tay phải nắm lại, kéo ra sau và ngừng lại dưới ngực phải, cùng lúc đó thì tay trái duổi thẳng ra phía trái ngang tầm vai, bàn tay hơi nắm lại với ngón trỏ đưa ra, bật đứng cổ tay.  Dụng ý * tưởng như đang kéo căng dây cung nhắm bắn chim điêu ở tầm xa. 
Sau đó thở ra, hai tay buông lỏng, nghiêng người qua phải, tay trái ôm vòng qua bên phải, hít vào, như nắm lấy dây cung kéo về ngang ngực trái, tay phải duổi thẳng ra bên phải ngang tầm vai như cầm thân cung, lập lại giống nhu trên và nhắm bắn chim điêu bên phải. 
* Dụng ý bất dụng lực để khí không bị bế tắc nơi tay. 
Lập lại động tác trên từ 6 đến 12 lần.

3.    Điều Lý Tỳ Vị Đơn Cử Thủ
             (Điều hoà tỳ vị, một tay đẩy lên) 



Tác dụng:
“Làm gia tăng chức năng của Can (gan), giúp Tỳ Vị (dạ dày và lá lách) khí lưu thông.  Giúp ăn ngon, ngủ được, và đại tiểu tiện thông suốt.” 
Động Tác: 
Đứng thẳng người, tự nhiên, khoảng cách giữa hai chân bằng chiều rộng của đôi vai, hai tay thả lỏng hai bên hông. 
Chuyển hai tay để trước bụng, lòng bàn tay hướng lên cao.  Rút chỏ trái lên ngang đầu, hít vào, lật bàn tay trái để lòng bàn tay hướng lên cao, thở ra, và từ từ đẩy thẳng tay lên (các ngón tay hướng qua phải).  Cùng lúc với tay trái thì tay phải nhấn xuống với lòng bàn tay hướng xuống đất (các ngón tay hướng ra trước).  Sau đó rớt chỏ trái xuống, kéo chỏ phải lên hít vào và lập lại các thao tác như trên. 
Ghi chú: 
Trong khi di chuyển hai tay nên chú ý lắng nghe sự vận chuyển của các cơ bắp tác động đến vùng tỳ vị và gan.  Không được gồng cứng hai tay.
Lập lại thế tập từ 6 đến 24 lần.

4.    Ngũ Lao Thất Thương Vọng Hậu Tiền
             (Năm lao thất thương, liếc nhìn phía sau) 



Tác dụng: 
Ngũ lao liên quan đến sự suy yếu của 5 cơ quan nội tạng trong cơ thể như: tâm, can, tỳ, phế, thận.
Thất thương: thương tổn gây ra bởi sự xáo trộn của tinh thần qua 7 cảm xúc: hỷ, nộ, ái, ố, bi, lạc, dục.
Theo Đông Y, con người có thể trở nên bệnh nếu như ngũ tạng bị suy yếu và tinh thần bị xáo trộn.  Chẳng hạn như sự nóng giận có thể làm bế khí nơi gan và ảnh hưởng đến chức năng hoạt động của gan.  Nhưng không phải chỉ có các cơ quan nội tạng bị ảnh hưởng, một xáo trộn mạnh trong các cảm xúc cũng khiến cho khí bị tích tụ và dồn nén lên trên đầu.  Khi ta xoay đầu qua hai bên thì các bắp thịt và các động mạch máu nơi cổ được thả lỏng, giúp cho khí lưu chuyển lên đầu và đồng thời cũng giúp tăng lưu lượng máu vào não bộ.  “Giúp điều hòa chức năng vùng hành não, trong đó có các trung tâm kiểm soát hệ thần kinh thực vật giao cảm, đối giao cảm, và từ đó tăng chức năng các tạng phủ.”
Tập thế nầy thường xuyên sẽ giúp hành giả điều khí ở các cơ quan nội tạng và bộ đầu, điều dưỡng lại các tổn thương do các xúc cảm gây nên và giúp tiêu trừ các bệnh tật. 
Động Tác: 
1. Đứng thẳng người , tự nhiên, khoảng cách giữa hai chân bằng chiều rộng của đôi vai, hai tay thả lỏng hai bên hông. 
Quay đầu sang trái tối đa và nhìn ra phía sau, thở ra. 
Quay đầu trở về phía trước, hít vào.
Quay đầu sang bên phải và nhìn ra sau, thở ra.
Quay đầu trở về phía trước, hít vào. 
Thân người và hai tay luôn để yên không xoay chuyển.   
2. Kế đến đặt hai tay sau lưng nơi eo (các ngón tay hướng vào nhau) hai vai bật nhẹ ra sau, quay đầu và hít thở giống như trên (1). 
3. Sau cùng di chuyển hai tay ra trước ngực, lòng bàn tay hướng lên cao, hai vai bật nhẹ ra trước, quay đầu qua hai bên và hít thở giống như trên (1). 
          
 Tập 3 động tác trên mi động tác từ 12 đến 24 lần.
    5.    Dao Đầu Bài Vĩ Khử Tâm Hỏa
             (Lắc đầu vẫy đuôi dứt bỏ tánh nóng nảy) 


Tác dụng: 
Hỏa (trược khí) nơi trung đan điền sinh ra do thức ăn không tiêu, hít thở không khí không trong sạch hay thiếu ngủ.  Nếu như xảy ra thường xuyên thì sinh ra chứng ợ nóng (heartburn) hay còn gọi là tâm hỏa (heartfire). Khi quá nhiều khí tích tụ và ứ động nơi đan điền hoặc tim, thì phương cách tốt nhất là chuyển hỏa khí nầy vào hai buồng phổi để được dung hòa và đào thải ra ngoài.
Theo thuyết ngũ hành thì hỏa khắc kim, tuy nhiên kim có thể hấp thụ được sức nóng và kềm chế được hỏa.  Phổi thuộc hành kim, tim thuộc hành hỏa nên có thể nói Phế Kim có thể làm dịu đi Tâm Hỏa.  Và kết quả là tâm được thanh thản.
Khi hành giả giữ hai tay trên đầu gối với ngón cái hướng ra ngoài thì ngực được giãn ra, và khi hành giả chuyển thân người từ bên nầy sang bên kia thì tuần tự hai bên phổi được thả lỏng cho nên dễ thu hút hỏa khí và làm dịu đi từ từ.
Thế tập nầy cũng giúp gia tăng lượng máu lưu thông nơi chân giúp điều trị chứng bệnh tê và nhức mỏi nơi chân. 
Động tác: 
Bước chân phải qua bên phải, đứng trung bình tấn.  Đặt hai tay trên đầu gối, 2 ngón tay cái hướng bên ngoài đùi.  Đưa khí xuống lòng bàn chân, ý nghĩ đến huyệt Dũng tuyền.  Hít vào, nghiêng thân người qua bên trái, tay trái nhấn mạnh xuống đùi, giữ cho đầu, xương sống và chân phải gần như thẳng hàng, thở ra.  Giữ nguyên vị trí đó khoảng 3 giây. 
Chuyển người qua bên phải và lập lại các động tác và hít thở như trên. 
Xoay người qua hai bên trái phải, mi bên từ 6 đến 12 lần.

6.     Lưỡng Thủ Phan Túc Cố Thận Eo
              (Hai tay kéo hai chân bền thận eo) 


Tác dụng: 
Giúp vận khí tại thân và đốc mạch, tăng cường tinh và giúp gân cốt được mềm mại, dẻo dai.
Khi cúi thân người xuống, hai tay nắm lấy đầu ngón chân (hoặc xuống thấp tuỳ theo thể chất của mi người) thì bắp thịt sau lưng bị căng làm gián đoạn sự vận chuyển của khí nơi vùng lưng, thận.  Khi đứng thẳng lên thì khí được khai thông trở lại bình thường cũng giống như ống nước đang chảy bị gấp lại rồi được buông thẳng ra.  Đây là phương pháp tốt nhất để kích thích (xoa bóp) thận và giúp gia tăng luồng khí chuyển vào thận, cũng như các bắp thịt lưng và xương sống. 
Động  tác: 
Đứng thẳng người, tự nhiên, hai tay thả lỏng, giữ khoảng cách chân bằng đôi vai.
Nhấn nhẹ hai bàn tay xuống hai bên hông sau đó nâng hai tay lên trước ngực, hít vào, kế đến đưa hai tay lên qua khỏi đầu với lòng bàn tay hướng lên cao.  Hướng hai lòng bàn tay ra trước mặt.  Cuối xuống từ từ. Ý nghĩ đến Mệnh môn và vùng thận. Đứng yên khoảng 3 giây sau đó từ từ đứng thẳng lên, hít nhẹ vào. 
Lập lại động tác trên từ 6 đến 16 lần. 

7.     Vận Quyền Nộ Mục Tăng Khí Lực – (Toàn Quyền Nộ Mục Tăng Khí Lực)
              (Nắm chặt quyền, mắt giận, tăng khí lực) 


Tác dụng: 
Giúp gia tăng thị lực (tập trung nhìn vào bàn tay nắm), kích thích gan.  “Làm tăng khí lực do tay chân và thân eo kết nối với nhau.”
Khi thần (spirit) mạnh thì đồng thời khí lực cũng gia tăng.  Phương pháp nầy rất quan trọng vì nó khai thông được bế khí và dẫn khí ra ngoài da.  Tập trung “ý” là điểm chính yếu cần phải ghi nhớ trong thế tập. 
Động tác: 
Bước chân phải qua bên phải, đứng trung bình tấn.  Hai tay nắm lại để bên hông.
Xoay đầu qua trái, mắt tập trung vào nắm tay, tay trái dui ra và từ từ nắm chặt lại, vận gân xoáy chặt quyền, thở ra.  Tay mặt vẫn giữ nguyên bên hông.  Sau đó thả lỏng hai tay, rút tay trái về bên hông trái, hít vô. 
Lưu ý:  khi đấm ra, mắt phải nhìn trông như giận dữ (nộ mục). 
Tay phải dui ra và lập lại các thao tác trên.  Tập mi thế từ 6 đến 8 lần.

  8.    Kiễng Túc, Nâng Đầu Tiêu Bách Bệnh  
            (Nhón Gót Nâng Đầu Tiêu Bách Bệnh)
       

Tác dụng: 
“Vận khí trên toàn bộ kinh mạch bằng cách tác dụng lên toàn thân và cột sống.  Các kinh mạch căng ra và thu vào như sợi dây thừng. Kiễng chân lên và hạ chân xuống kích thích 6 túc kinh, vươn cổ lên kích thích 6 thủ kinh”.
Giúp tăng sinh lực, bền sức, giúp thân thể cường tráng và các bệnh tiêu tan. 
Động tác: 
Đứng thẳng người, tự nhiên, hai tay thả lỏng, giữ khoảng cách chân bằng đôi vai. 
1.  Nhón gót chân lên càng cao càng tốt, hít vào, giữ yên khoảng 3 giây, rớt người xuống, thở ra. 
2. Kế đến để hai bàn tay sau lưng, ngang bên hông, ngón tay cái hướng trước mặt, vai hơi bật ra sau.  Nhón gót và hít thở như trên (1). 
3.  Sau cùng, đưa hai tay ngang dưới ngực, lòng bàn tay hướng lên cao, vai hơi bật ra phía trước.
     Nhón gót và hít thở như trên (1). 
     Mỗi thế tập từ 12-24 lần.

Video toàn Bài Đoạn Cẩm



   
Trần Thế      
Xem thêm bài viết cùng chuyên mục:

Ý kiến bạn đọc [ 0 ]


Ý kiến của bạn