Phần lớn bệnh nhân đến khám tại khoa tim mạch của các bệnh viện và phòng khám đa khoa đều có cao huyết áp. Tuy nhiên, có một số không nhỏ thường xuyên bị huyết áp thấp.
Huyết áp trung bình của mỗi người dao động 110-120mHg với huyết áp tối đa và 70-80mmHg với huyết áp tối thiểu. Khi huyết áp tối đa dưới 100mmHg và huyết áp tối thiểu dưới 60mmHg, bệnh nhân rơi vào tình trạng hạ huyết áp. Có hai tình trạng hạ huyết áp:
Hạ huyết áp cấp: hay xảy ra với những bệnh nhân cấp cứu vì chấn thương gây mất máu nhiều, tiêu chảy mất nước, suy tim hay bệnh nội khoa khác. Những bệnh nhân này phải được nhập viện cấp cứu và tùy nguyên nhân gây hạ huyết áp mà thầy thuốc cho chỉ định điều trị phù hợp.
Hạ huyết áp mãn tính: Ở những người này huyết áp thường xuyên thấp hơn 100mmHg đối với huyết áp tối đa. Bệnh nhân có thể có hoặc không có bất kỳ sự khó chịu nào. Rất nhiều người chỉ phát hiện tình cờ trong đợt khám sức khỏe định kỳ hay được đo huyết áp khi đi khám một bệnh không liên quan đến tim mạch.
Sống thọ hơn Hạ huyết áp có nguy hiểm không? Tất nhiên, nếu bệnh nhân rơi vào tình trạng hạ huyết áp cấp rất nguy hiểm và cần nhập viện để điều trị trong phòng săn sóc đặc biệt.
Còn tình trạng hạ huyết áp mãn tính hầu như không có gì quá nguy hiểm cả. Thậm chí có người cho rằng những người bị huyết áp thấp còn sống thọ hơn những người có huyết áp bình thường. Trong thực hành bệnh viện hằng ngày, chúng tôi cũng như nhiều thầy thuốc khác đều có chung nhận định như vậy.
Những người thật sự bị huyết áp thấp mãn tính thường phàn nàn với mọi người và thầy thuốc là hay buồn ngủ, mỏi mệt, chóng mặt, hoa mắt hoặc thỉnh thoảng bị ngất xỉu. Đặc biệt là khi thay đổi tư thế đột ngột. Các triệu chứng này xuất hiện do giảm lưu lượng máu ở não, tim, gan và các cơ quan khác trong cơ thể.
Tình trạng hạ huyết áp mãn tính hay xảy ra ở những người làm việc quá sức, bị stress, rối loạn nội tiết, suy dinh dưỡng, đái tháo đường hay bị bệnh thần kinh ngoại vi… Do đó, nếu tình trạng hạ huyết áp mãn tính kéo dài và gây nhiều khó chịu, thậm chí phải nhập bệnh viện cấp cứu, nên đi khám ở những thầy thuốc chuyên khoa tim mạch và nội tiết để tìm nguyên nhân và có phương pháp điều trị triệt để.
Sống chậm lạiVới người bệnh hạ huyết áp mãn tính, việc đầu tiên là có chế độ làm việc và nghỉ ngơi hợp lý. Nếu bạn sống với tốc độ quá nhanh, nên điều chỉnh nhịp sống và làm việc phù hợp với đồng hồ sinh học của bản thân mình. Nên ăn các loại thức ăn giàu năng lượng, giàu vitamin và các yếu tố vi lượng như: vitamin A, kẽm, manhê… Có người cho rằng bệnh nhân ăn mặn một chút để làm tăng khối lượng tuần hoàn trong cơ thể nhờ tác dụng giữ nước của muối. Tuy nhiên, cũng rất nguy hiểm vì sẽ gây tăng huyết áp khi nằm.
Chọn một môn thể thao phù hợp với sức khỏe như đi bộ, bơi lội hay tập yoga cũng rất tốt cho bệnh nhân hạ huyết áp mãn tính. Tuy nhiên khi tập thể thao rất cần sự điều độ, khi nào thấy mệt hay có các triệu chứng khó chịu nên nghỉ ngơi ngay. Việc uống đủ nước, nhất là khi trời nắng nóng cũng góp phần làm giảm nguy cơ hạ huyết áp ở một số người.
Và điều rất quan trọng là khám kiểm tra sức khỏe định kỳ mỗi sáu tháng để phát hiện những trục trặc về sức khỏe, từ đó có hướng điều chỉnh ngay từ lúc đầu.
Cứ đến 18g30 từ thứ hai đến thứ bảy, gần 100 phụ nữ giáo xứ Thánh Mẫu, P.7, TP Đà Lạt, Lâm Đồng lại cùng nhau tập dưỡng sinh. Phong trào tập dưỡng sinh của phụ nữ giáo dân Thánh Mẫu hình thành từ năm 2007 khi cụ Vương Đình Cam – một người trong khu phố – mời bác sĩ lão khoa về nói chuyện và vận động phụ nữ giáo dân tập dưỡng sinh rèn luyện sức khỏe, ngăn ngừa bệnh tật. Theo các thầy thuốc, tập dưỡng sinh cũng có lợi cho người huyết áp thấp. Suckhoegiadinh.org theo nguồn Tuoitre.com.vn – tác giả: PGS-TS NGUYỄN HOÀI NAM
Ý kiến bạn đọc [ 0 ]
Ý kiến của bạn