Các võ sư chữa bệnh bằng: Khí công ngoại cảm

Thứ Năm, 29 tháng 3, 2012
“Tôi e ngại, thủ thế khi người thanh niên tiến đến gần. Cậu ta múa tay như phù phép và bước chầm chậm chung quanh theo những tư thế kỳ dị, người nổi gân guốc trông rất dữ dằn. Có thể cậu ta định hạ gục mình đây ? Đang lo lắng thì tôi cảm thấy hai tay của Babay chạm nhẹ vào hông như để tôi bớt sợ. Cậu thanh niên đá vào chân tôi, tôi hơi rung rinh nhưng vẫn đứng vững và cố đẩy lùi đối phương. Cậu ta lại đá và tôi lại đẩy, nhưng tôi thấy mình loạng choạng sắp té. Babay nhắc khẽ: “Dùng nội lực”; Tôi đưa tay ra, và dù tay, không chạm vào thân, cậu thanh niên vẫn bật ngược ra sau té xuống rồi lộn người đứng dậy, xoa bóp đầu gối bị bầm tím”. Đây là lời tường thuật của KEITH LOVEARD, phóng viên báo ASIAWEEK, đang nghiên cứu thế giới Cổ truyền ở NDONESIA 

Babay – nghĩa là “sư phụ” theo thổ ngữ Indonesia – đã giúp phóng viên Keith tập trung sức mạnh cơ thể mà ông đã tích chứa được ở bụng sau sáu tuần tập luyện.

Vào thời gian đó, Babay đang dạy cho sáu học viên nghệ thuật tập trung sức mạnh cơ thể, còn gọi là “khí công”, và dùng nó để tự vệ, chống trả, mọi cuộc tấn công, mà không cần chạm vào người đối thủ. Hằng tuần học viên đến nhà của “sư phụ” ở Jakarta để luyện tập; Mỗi lần như thế đều bắt đầu bằng một bữa ăn đúng nghi lễ gồm sữa tươi, chuối là bánh bột, gạo lức. Babay xử sự như một ông cha trong gia đình : Nghiêm khắc, nhưng thương yêu, khoan dung nhưng đứng đắn. Phương pháp mà ông đang dạy là một bộ phận của môn võ thuật Cổ truyền của Silat, có mục đích tập trung năng lực huyền bí gọi là “khí” vào bụng dưới. Theo ông, môn võ cổ truyền này bắt nguồn từ Ấn giáo, với một lý thuyết mang màu sắc tâm linh, không những được sử dụng trong chiến đấu mà có thể dùng để tăng cường sức khỏe và phòng chống bệnh tật.

Thật ra, Khí công không phải là điều mới lạ ở vùng Indonesia mới có. Môn này hiện đang được toàn thế giới quan tâm nghiên cứu, đặc biệt là ở Trung Quốc, hằng ngày có hơn 50 triệu người tập luyện và nổi lên nhiều cao thủ lừng lẫy như Lưu Văn Khanh với môn “Võ Đang Long Môn Thái Ất Kim Thích Chưởng” và “Dược Vương Chưởng” thuộc Hiệp hội Khí công Côn Minh; Phạm Ứng Liên với “Thiết Bố Sam La Hán Công” thuộc Quân đội Nhân dân Trung Quốc; Dương Mai Quân với “Côn Luân Đại Nhạn Thần Công” làm Chủ tịch Hội nghiên cứu khoa học Khí công Bắc Kinh; Vương Duy Thận với “Tòng Khê Nội Trảng công” thuộc Hội Khí công Thượng Hải; Nghiêm Tân với “Thiếu Lâm Đạt Ma Khí công” thuộc Viện nghiên cứu Đông y Trùng Khánh; Vương Lực Bình với “Long Môn Đạo công” thuộc Học viện Trung y Quảng Châu; Phú Lực với “Toàn Chân Điện công” thuộc Hội Nghiên cứu khoa học Khí công Trung Quốc, v.v… Đây là những nhận vật được Nhà nước Trung Quốc công nhận là có thực tài và được người đời xưng tụng là “Tôn sư”. Có thể nói, theo các tài liệu báo cáo chính thức, tài năng của các vị này đến mức “xuất quỷ nhập thần” tưởng như chỉ có trong tiểu thuyết võ hiệp hoặt trên màn bạc điện ảnh.
Chúng tôi xin đưa ra một số trường hợp chữa bệnh bằng khí công ngoại cảm của một vài vị trên, nhằm giúp các nhà nghiên cứu khí công Việt Nam và bạn đọc suy nghĩ thêm … vì dưỡng sinh khí công là vốn cổ của các nhân tộc châu Á.
Nghiêm Tân
Nghiêm Tân là người Tứ Xuyên, từ 4 tuổi đã học võ công với một cao thủ vô danh, đến 8 tuổi theo học Hải Đăng pháp sư, một bậc võ lâm lão tiền bối từng làm Tổng huấn luyện viên võ thuật cho Quân đội Trung Quốc. Năm 13 tuổi, ông đã có khả năng phát ra ngoại lực để chữa bệnh cho người. Năm 1983, có một phụ nữ ở Cẩm Dương vì buồn gia đình nên uống thuốc rầy tự tử. Trên đường được người nhà đưa ra bệnh viện thì gặp Nghiêm Tân. Ông liền điểm huyệt và vận khí phát công cấp cứu; chẳng mấy chốc, người đàn bà nôn thuốc ra rồi tỉnh dậy. Ông tiện tay bứt mấy nhánh cỏ ven đường, dùng tay vò nát rồi bảo người phụ nữa nhai nuốt và cứu được một mạng người.
Nghiêm Tân cũng có thể dùng khí công để chẩn bệnh rất chính xác. Tháng 4 năm 1984, một công nhân trẻ của nhà máy thép Tùng Khánh tên là Túc Bình bị tai nạn giao thông. Bệnh viện chụp X quang cho biết : “Hai xương bả vai bị gãy rời vỡ vụn, khớp vai phải thoát vị”. Một tháng sau, vai của anh vẫn không động đậy được, nên phải chuyển tới Viện Nghiên cứu Đông Y Trùng Khánh nhờ Nghiêm Tân chữa trị. Ông ngồi nhập định, hai tay duỗi ngửa trước nạn nhân. Sau vài nhịp thở sâu, ông nói : “Hai xương bả vai gãy rời vụn. Chỗ ghép nối ở điểm bên ngoài xương bả vai khoảng chừng 3cm bị chệch”. Những điều chuẩn đoán bằng khí công của Nghiêm Tân hoàn toàn khớp với kết quả chụp X quang sau đó. Kế tiếp, Túc Bình được đặt nằm sấp trên giường. Nghiêm Tân dùng cả hai tay bấm, ấn, xoa bóp mạnh mẽ trên lưng Túc Bình khiến anh có cảm giác tê tê và mát lạnh cả một vùng lưng. Ba mươi phút sau ông thu hồi công lực, đi thăm bệnh ở các phòng khác. Khoảng nữa giờ sau, ông trở lại bảo Túc Bình : “Xoay ngửa người lại”. Bệnh nhân sửng sốt tưởng mình nghe lầm. Nghiêm Tân hiểu ý bèn nói : “Đừng sợ, cứ làm như chưa bị gì cả”. Túc Bình nghe theo, lấy sức xoay mình và nằm ngửa ra dễ dàng. Nghiêm Tân lại bảo: “Bây giờ anh hãy làm mấy động tác co tay đưa chân trên giường”. Thấy Túc Bình lưỡng lự, ông nói như ra lệnh : “Sợ gì nào, anh đã khỏi hẳn rồi !”. Túc Bình liền lật sấp lại làm 5 lần động tác co tay duỗi chân. Sau đó, theo lệnh của Nghiêm Tân, anh xuống giường bước ra cửa, nắm lấy khung cửa làm 30 lần động tác co tay trên xà, rồi dùng một tay nhấc lên vật nặng hơn 20 ký. Từ đó trở đi, hai vai của Túc Bình hồi phục hoàn toàn. Đến tháng 2 năm 1985. Quân y viện Tây Nam kiểm tra bằng X quang và chụp phim chứng nhận vết thương đã lành hẳn, ngay những chỗ gãy xương cũng không còn dấu vết gì.
Không những chữa bệnh bằng cách tiếp cận cơ thể, Nghiêm Tân còn có khả năng điều trị cách không. Tháng 7 năm 1985, anh Dương Diệu Tổ ở Liên hiệp Công đoàn thành phố Trùng Khánh bị gãy xương bàn tay phải, mu bàn tay xưng to, năm ngón tay cứng đờ. Nghiêm Tân được mời đến. Trước tiên ông điểm mấy huyệt trên người Dương Diệu Tổ làm cho anh cảm thấy như có dòng điện chạy qua khắp người. Sau đó, Nghiêm Tân bước ra phòng ngoài, ngồi cách tường phát công vào bệnh nhân, Diệu Tổ cảm thấy toàn thân mình nhẹ hẫng như trôi nổi lên, chỗ bị thương thấy giật giật một lúc rồi không còn đau nữa. Sau hai giờ, vết thương khỏi hẳn, tay hết sưng và có thể làm việc như thường.

Vương Lực Bình còn có công năng đặc dị hơn nữa. Ông trạc tuổi tứ tuần, da trắng, mặt hồng hào, nói năng nhỏ nhẹ, nụ cười có duyên. Nhìn phong thái văn nhân thi sĩ như ông, khó ai ngờ đó là truyền nhân đời thứ 18 của phái Long Môn, một môn phái nội công của Đạo gia có những công phu pháp thuật thần kỳ. Chẳng hạn vào đêm 8-2-1987, trong một cuộc thử nghiệm của Học viện Trung y Quảng Châu, ông ở trong học viện phát công theo thời gian đã qui định. Hơn 500 người trong thành phố đều nhận được “tín hiệu” khí công của ông. Người đang có bệnh, chỗ nào bệnh đều có cảm giác đau, người không bệnh thì thấy nóng, có người phải bật dậy ngoài ý muốn. Ông cũng có thể chẩn đoán bệnh bằng cách đứng trước mặt bệnh nhân và “nhìn” thấu lục phủ ngũ tạng bên trong.
Tương tự, bà Dương Mai Quân cũng có khả năng dùng khí công chữa bệnh từ xa. Tháng 4 năm 1982, một người bị tai nạn giao thông chấn thương sọ não, vỡ xương mặt, tai và mũi chảy máu, hôn mê bất tỉnh. Sau khi được đưa vào bệnh viện chữa trị 12 ngày, bệnh tình càng ngày càng xấu. Bà Dương được mời đến. Trước tiên bà điểm vào huyệt Thiên Mục ; sau đó ngồi từ xa, bà cất hai tay lên, hướng một lòng bàn tay vào huyệt Nhân Trung và Diện Môn, lòng bàn tay kia hướng vào huyệt Bách Hội và phát công. Chừng mười phút sau, bệnh nhân bắt đầu mở mắt, sắc mặt dần dần tươi tỉnh; và sau 5 ngày, mỗi ngày được bà phát công điều trị nửa giờ, bệnh nhân khôi phục thần trí, tay chân có thể hoạt động được, bắt đầu nói chuyện.
Thật ra, nói theo nhà dưỡng sinh nổi tiếng G. Osawa khí công là năng lượng tự nhiên có sẵn trong vũ trụ cũng như trong mọi người. Để có thể vận dụng được khí này trong dưỡng sinh và trị bệnh, ngoài việc tập luyện kỹ thuật đúng bài bản, người ta còn phải “biết” ăn ở đúng Đạo, nghĩa là đúng theo Trật Tự Vũ Trụ, hòa đồng với Thiên Nhiên. Thật vậy, những danh sư võ lâm kể trên đều sống đơn giản, ăn uống đạm bạc, tinh thần thanh thoát, giúp người mà không mưu cầu lợi lộc.                                                                                          

NGÔ ÁNH TUYẾT 
Trich “Sổ tay Võ Thuật” tháng 4.1994. 
Tham khảo :

- Khí Công – Các Kỳ Nhân Đương Đại, Thiên Tùng biên dịch, Nxb. TDTT, Hà Nội 1990.

- Phòng và Trị Bệnh bằng Khí Công của Ngô Ánh Tuyết. Nxb TP. HCM 1992

- Asiaweek số tháng 6/93
Xem thêm bài viết cùng chuyên mục:

Ý kiến bạn đọc [ 0 ]


Ý kiến của bạn