Cách nhận biết chất cấm trong thịt heo
Thứ Bảy, 24 tháng 3, 2012
Cập nhật lúc :8:09 AM, 17/03/2012
(Đất Việt) Trước tình trạng heo bị nhiễm chất kích nạc khiến người tiêu dùng tẩy chay sản phẩm này, nhiều hộ chăn nuôi và các chuyên gia ngành nông nghiệp đã có nhiều chia sẻ trong việc phát hiện thịt heo nhiễm chất cấm. >> Gần 30% thịt heo bày bán nhiễm chất độc
>> Choáng với 'kỹ thuật' tăng trọng heo
Theo kinh nghiệm của chính những hộ nuôi, quan sát thịt trên quầy bán, nếu thấy thịt nạc dính sát vào da mà không có lớp mỡ đệm thì rất có thể con heo đó được nuôi bằng hóa chất cấm, hay còn gọi là chất kích nạc, tăng trọng.
Ngoài ra, theo PGS.TS Dương Thanh Liêm, Bộ môn Dinh dưỡng động vật, Khoa Chăn nuôi - Thú y, ĐH Nông Lâm TP HCM, với những con heo dùng một số loại chất cấm (tạo nạc, tăng trọng…), khi giết thịt thì thịt thường có màu đỏ sậm ngả sang đen, thịt mất đi tính hấp dẫn vốn có. Hoặc trên bề mặt da, đặc biệt ở các vị trí khớp, khuỷu… có những quầng chấm đỏ lan rộng, pha lẫn sậm đen. Đây là biểu hiện của vật nuôi như bò, cừu, heo bị hóa chất làm vỡ các mao mạch, khiến máu tung tóe ở phía dưới da. Hệ quả của việc khi bị stress trước lúc giết mổ.
|
Người tiêu dùng nên cảnh giác với những loại thịt heo sậm màu, có những quầng đỏ thâm dưới da. Ảnh: Đ.Thư. |
Cũng theo PGS Liêm, chất cấm khi vào cơ thể vật nuôi khiến sợi cơ phình to ra mà không tăng DNA (Deoxyribonucleic acid, là một phân tử nucleic acid mang thông tin di truyền) trong tế bào sợi cơ, vì vậy chỉ làm cho thịt nạc trở nên khô, thô và nghèo chất béo, mất đi sự mềm mại, mất vị béo của thịt. Các loại thực phẩm như giò, chả lụa khi sử dụng thịt heo này để chế biến thường bị cứng mà không cần đến đến hàn the. PGS Liêm cũng khẳng định, hầu hết những chất cấm trong chăn nuôi hiện nay là những hợp chất có nguồn gốc tổng hợp, nên đều có khả năng tồn dư trong thịt, không bị hư khi chế biến ở nhiệt độ cao như chiên, nướng…
Tuy nhiên, ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai, cho rằng, không có phương pháp thủ công nào hữu hiệu để nhận biết thịt heo có hay không nhiễm chất cấm. Chất cấm sẽ vẫn còn đất sống bởi nhu cầu sử dụng thịt nạc tinh của người tiêu dùng đã tiếp tay cho các thương lái thu mua heo đưa vào các hộ nuôi. Ông Công cho rằng, biện pháp hữu hiệu nhất hiện nay là một mặt các trại nuôi lớn sẽ kết hợp với các trung tâm giống chuyển giao và nhân rộng những loại giống heo siêu nạc. Mặt khác để loại bỏ chất cấm, cơ quan chức năng phải tăng cường thanh tra, giám sát các cửa hàng buôn bán thuốc và thức ăn chăn nuôi, kiểm soát chặt việc nhập lậu các loại hóa chất độc hại này.
“Một lượng lớn chất cấm trên xuất hiện thị trường từ nhiều năm nay chứng tỏ việc vận chuyển không dừng lại ở phạm vi nhỏ lẻ, mà có thể được vận chuyển bằng phương tiện cỡ lớn, thậm chí là container, thì cơ quan chức năng không biết hay cố tình làm ngơ…”, ông Công nói. Trước tình hình bức xúc này, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản yêu cầu UBND tỉnh Đồng Nai chủ trì, phối hợp với Bộ NN&PTNT, Bộ Y tế kiểm tra sự việc. Phải có biện pháp xử lý, ngăn chặn hiệu quả tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, báo cáo Thủ tướng trước ngày 30/3 tới. Ngành nông nghiệp Đồng Nai cũng đang đưa giải pháp kết hợp giữa kiểm dịch trước khi xuất chuồng và lấy mẫu nước tiểu của heo để kiểm tra nhanh chất cấm. Thú y TP HCM cũng đang chuẩn bị sử dụng thiết bị kiểm tra nhanh để phát hiện tồn dư chất cấm trên heo đưa vào địa bàn và 13 tỉnh lân cận có liên kết với thành phố này.
Ý kiến bạn đọc [ 0 ]
Ý kiến của bạn