Công nghệ “hô biến” gạo dở thành gạo ngon

Thứ Sáu, 16 tháng 3, 2012
Người tiêu dùng không thể biết chính xác loại gạo mình ăn
VH- “Cơm ngày ba bữa”, gạo là mặt hàng quan trọng và thiết yếu trong đời sống hằng ngày. Thế nhưng số đông người tiêu dùng (NTD) đều không được biết rõ nguồn gốc, xuất xứ của loại gạo mà mình đang sử dụng bởi vì hầu hết đều bị pha trộn với nhiều “chiêu” tinh vi.
Trộn - ướp hương “công nghệ cao”
Trong vai học nghề làm hàng xáo tại vựa gạo của chị N.A. ở quận Tân Bình, TP.HCM, tôi được chứng kiến chị mang hai bao gạo, một ghi là gạo IR 64 của Việt Nam và một loại gạo Campuchia trộn lẫn vào nhau để “hô biến” thành “gạo Thái Lan”. Chị A. nói: “Nếu gạo nở trộn với gạo dẻo, nên trộn theo công thức hoàn hảo là 8 - 2, tức 8 phần gạo ngon và 2 phần gạo giá rẻ hoặc 7-3”.
Cũng theo thị A, đa số các quán ăn bình dân, bếp ăn của công nhân tới yêu cầu chị trộn gạo sao cho có giá thấp tối đa. Trong các kỹ thuật nhằm đẩy giá gạo lên cao, chị A. tiết lộ: Để biến một loại gạo dẻo hạt dài giá 13.000 đồng thành loại gạo thơm giá 18.000 đồng, người ta mua hương liệu tại chợ Kim Biên (Q.5, TP.HCM) đem về xịt vào gạo trước khi xay xát lần 2. Khi mua loại gạo này, NTD ngửi thấy thơm nhưng nấu lên ăn thì... khó nuốt.
Theo chân anh Quang, một người kinh doanh gạo lâu năm, tôi được anh “dạy” khá nhiều “chiêu”. Muốn có lãi cao tới 2 – 3.000 đồng/kg, chịu khó mua lúa tận gốc, thuê các xưởng xay xát và quan trọng là phải học được cách trộn gạo.
Ngoài cách trộn để có loại gạo theo nhu cầu và khẩu vị người ăn, hiện nay, hầu hết các cơ sở kinh doanh thường cho gạo xấu giá rẻ trộn với gạo ngon để nhập nhèm chủng loại hoặc trộn gạo nguyên hạt với tấm.
Anh Hải, chủ đại lý gạo Thanh Minh tại TP Mỹ Tho (Tiền Giang) mách nước: Gạo ngon có lượng tấm dưới 10%, nếu muốn lãi cao, phải trộn thêm tấm (giá thường bằng 2/3 giá gạo) có tỷ lệ 25%.
Nếu gạo được mua qua nhiều khâu trung gian, thương lái và cửa hàng trộn đi trộn lại, cuối cùng gạo có khi tới tay NTD mà thành phần tấm lên tới hơn 1/3. Việc gian lận này khó phát hiện, vì gạo mẫu bày ra thì ngon, còn gạo bán cho khách thường được xúc từ một bao khác.
Gạo mạo danh tràn lan
Trên thị trường có rất nhiều loại gạo có tên thật “oách” như: thơm Nhật, thơm Thái, thơm Mỹ, thơm Đài Loan, Nàng Thơm, Nàng Hương… Nhưng theo GS TS Bùi Chí Bửu, Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam cho biết: Không hề có các giống lúa tên gọi như vậy.
Cách gọi tên Mỹ, Thái, Đài Loan… chỉ nhằm lừa dối NTD, khiến họ lầm tưởng đó là gạo ngoại nhập. GS Bửu nói thêm, ông làm ở Viện Lúa ĐBSCL nhiều năm nhưng cũng không thể biết gạo bán trong chợ, các cửa hàng gạo có nguồn gốc từ giống lúa nào, tính chất ra sao. Thậm chí có giống lúa Philippines đã nhiều chục năm nay chúng ta không canh tác nhưng trên thị trường vẫn có loại gạo Phi (!?). “Gạo Phi không thể có mặt ở nước ta, bởi chính quốc gia này phải nhập gạo Việt Nam”, GS Bửu khẳng định.
Ông Nguyễn Bình Hiển, Phó giám đốc Công ty CP Xây lắp cơ khí và lương thực thực phẩm Long An (nhãn hiệu gạo Thố cơm Mecofood) cho biết, hiện gạo Nàng Thơm Chợ Đào đặc sản Long An chỉ được trồng tại huyện Cần Đước, tỉnh Long An, diện tích khoảng 400 ha, sản lượng khoảng 1.500 tấn.
Thế nhưng, đi đâu người tiêu dùng cũng có thể bắt gặp tên gạo Nàng Thơm Chợ Đào. Người trồng lúa Long An rất đau xót vì loại gạo đặc sản này đã bị mạo danh, làm mất uy tín của một loại gạo đặc sản nổi tiếng thơm ngon.
Tương tự, các nhãn gạo đặc sản khác cũng chung tình trạng, ai thích thì đặt tên “kêu”, chẳng lo ai kiểm tra xử phạt hay khiếu kiện. Khảo sát các cửa hàng gạo ở TP.HCM chúng tôi thấy, cũng là gạo Tám thơm nhưng mỗi nơi mỗi giá, mỗi kiểu dáng hạt gạo và lúc nấu lên ăn vị khác nhau hoàn toàn. Theo GS.TS Bùi Chí Bửu, các gạo đặc sản miền Bắc như Tám thơm, Tám Hải Hậu chính gốc phải có giá tới 30.000 đồng/kg, trong khi thị trường lại bày bán đủ loại giá, từ 17 - 21.000 đồng/kg, đó là điều vô lý.
Theo tính toán của các đại lý, tuổi thọ của gạo từ lúc rời nhà máy xay xát trung bình chỉ khoảng 6 tháng, loại gạo tốt phải có độ ẩm dưới 16%, nếu độ ẩm quá cao, có thể chỉ 2 tháng gạo đã ngả vàng phần sát với thành bao.
Chưa kể, loại gạo mà dân trong nghề gọi là gạo “đắm ghe” (do ngấm nước khi chuyên chở bằng ghe, xe hàng gặp mưa hay nền nhà kho ẩm ướt…), nguy cơ mối mọt, ẩm mốc, ngả màu rất cao. Muốn “tống” được lượng hàng “bom nổ chậm này”, người ta thường trộn gạo ẩm với gạo chưa chà cám rồi đưa qua hệ thống máy xay, gạo ẩm sẽ được cám hút nước nên khô, bóng như mới, người mua không thể phát hiện bị mối mọt tấn công…
Trong khi các thực phẩm thiết yếu như nước mắm, thịt, đường, thậm chí là muối, người tiêu dùng đã biết chọn hàng có nhãn hiệu ghi rõ nhà cung cấp thì với gạo, thói quen bao lâu nay vẫn là mua dạng xá (đổ đống, bán ký).
Gần đây, các loại gạo có nhãn hiệu bắt đầu xuất hiện ở các siêu thị, cửa hàng tiện ích. Gạo có thương hiệu được đóng gói bao bì với các thông số rõ ràng về độ ẩm, độ tạp chất, phần trăm tấm, hạn sử dụng… cùng số điện thoại liên lạc để người tiêu dùng có thể phàn nàn, trả gạo nếu có các vấn đề ảnh hưởng tới vệ sinh an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, trừ dịp lễ tết, loại hàng này chưa được NTD “để mắt”.
Hồng Hạnh
Xem thêm bài viết cùng chuyên mục:

Ý kiến bạn đọc [ 0 ]


Ý kiến của bạn