Hình ảnh khách du lịch Châu Á

Thứ Bảy, 10 tháng 3, 2012


Qua những quốc gia tôi đặt chân đến, tôi đã gặp rất nhiều dân du lịch bụi từ nhiều nơi và nhận thấy một điều là hình ảnh của dân du lịch Châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng không được nổi bật cho lắm. Cái này không chỉ là kết quả của một hình ảnh dân Châu Á ở nước ngoài mà còn là hình ảnh được tạo ra bởi du khách Châu Á nói chung. Vậy cụ thể, đâu là những đặc tính của phượt tử Châu Á?

Khoái chụp ảnh!
Phượt tử Nhật Bản đi đầu trong thói quen chụp ảnh với những tư thế rất “độc đáo” và thường gây cười cho dân bụi phương Tây. Và vì khách du lịch Nhật có mặt nhiều hơn trên phương diện du lịch bụi quốc tế, nhiều người gán hình ảnh họ như là tiêu biểu cho hình ảnh dân du lịch Châu Á nói chung. Thành ra, dù là người Trung Quốc, Hàn Quốc hay Việt Nam thì vẫn sẽ bị gán cho cái mác “hay chụp ảnh kỳ dị”. 
Sẵn sàng chịu khổ để có những kiểu ảnh độc đáo...đó dường như là một thương hiệu của dân du lịch Nhật Bản, và của Châu Á nói chung
Chụp ảnh với ngón tay hình chữ V, biểu tượng du khách Châu Á


Hơi nhút nhát
Tôi không dám vo đũa cả nắm nhưng qua những kinh nghiệm cá nhân của tôi, tôi nhận thấy rằng dân du lịch bụi Châu Á nói chung rất ngại giao tiếp và thường khép kín trong nhóm của họ. Khi tôi nghỉ qua đêm ở hostel, thường hay gặp các nhóm du lịch Châu Á di theo nhóm 2 người trở lên, chẳng bao giờ thấy đi một mình. Họ cùng lắm chỉ nói chuyện giao tiếp một vài câu xã giao rồi sau đó dành rất nhiều thời gian vào việc sử dụng các thiết bị điện tử tiên tiến nhất (máy ảnh, PC, điện thoại di động…). Tôi có cảm giác như họ khoái khám phá thế giới du lịch qua màn hình máy ảnh hay công nghệ ảo hơn là việc tiếp xúc trực tiếp giao lưu. Cũng phải nói rằng vốn liếng tiếng Anh của những người tôi gặp không được tôt cho lắm. Liệu có phải là họ ngại giao tiếp bằng tiếng ngoại ngữ.

Cùng với việc sống lâu năm bên Pháp và giao tiếp với khá nhiều gia đình Việt Kiều, tôi dần dần tìm ra được một số nguyên nhân. Trẻ em Châu Á, đặc biệt là những quốc gia chịu nhiều ảnh hưởng của đạo Khổng Tử và đạo Phật thì thường hay bị cha mẹ quản rất chặt từ bé, được đùm bọc chăm sóc khá kỹ càng. Điều đó dẫn đến việc trẻ lớn lên nhưng không có nhiều cơ hội cọ xát với môi trường bên ngoài. Và khi một ngày nào đó, khi phải đi du lịch bụi theo kiểu này, họ phải đối mặt với một môi trường văn hóa mới mà chưa có nhiều sự chuẩn bị về kinh nghiệm cũng như kỹ năng giao tiếp. Và điều đó khiến họ cảm thấy thiếu tự tin trong giao tiếp. Việc “giáp lá cà” với các nền văn hóa khác càng trở nên phức tạp hơn khi mặt sàng ngoại ngữ nói chung của họ không được cao.

Nhưng hình ảnh đó đang thay đổi…
Khi mới về nước, tôi thực sự vui vì đã có những biến đổi đáng kể trong thói quen du lịch của giới trẻ Việt Nam. Các diễn đàn du lịch bụi hay du lịch phượt xuất hiện ngày càng nhiều, các bạn trao đổi chia sẻ kinh nghiệm với nhau. Quan niệm “đủ tuổi”, “đủ tiền” hay “đủ sức” không còn là rào cản nữa. Có vẻ như du lịch đã trở thành niềm đam mê của nhiều bạn và mình nghĩ đó mới chính là hành trang cần thiết để trở thành một phượt tử. Mình thấy thế hệ 9X rất tiềm năng trong quá trình phát triển văn hóa du lịch : họ mạnh bạo hơn, sinh ra trong xã hội hưởng thụ nên sẽ chi bạo hơn trong du lịch, … Và mình hy vọng hình ảnh dân du lịch bụi Việt Nam sẽ ngày càng rõ nét hơn trên sân chơi thế giới.
Xem thêm bài viết cùng chuyên mục:

Ý kiến bạn đọc [ 0 ]


Ý kiến của bạn