Trong một cuộc trao đổi với cô gái làm việc ở lễ tân hostel, tôi có bày tỏ mong muốn được tìm hiểu cuộc sống của người dân địa phương ở một vùng không có dân du lịch. Cô ta giới thiệu cho tôi Omar, một người dân gốc làng Tilfitine (cách Marrakech khoảng 70km) và thường xuyên lên Marrakech để giao hàng da thuộc ở khu Souk. Omar tỏ ra hết sức ngạc nhiên vì lần đầu tiên trong đời lại thấy có một du khách da vàng từ Châu Á xa xôi đến đây chỉ để thăm ngôi làng nghèo nàn của ông ta. Biết trước rằng sự có mặt của một người ngoại quốc có thể sẽ gây sự tò mò của cả ngôi làng, tôi đặc biệt yêu cầu sự giúp đỡ của Omar trong việc phiên dịch cũng như giải thích một số hiểu nhầm văn hóa (trong hợp điều đó xảy ra). Để có được những bức ảnh sinh động, tôi cũng đã phải hỏi trước sự cho phép của dân làng cũng như sự hỗ trợ của một chiếc máy ảnh khá tiên tiến Cũng giống như khá nhiều làng mạc xung quanh Marrakech, phần lớn đàn ông phải đi làm ở trong thành phố. Thỉnh thoảng thì phụ nữ và trẻ em ở làng mới đón tiếp những vị khách đi bộ đến đây. Và thường thì các vị khách đó cũng chỉ là người bản địa đến từ các làng khác hoặc từ nơi xa và phải tìm chỗ nghỉ trọ tạm. Chứ khách quốc tế thì hầu như chẳng bao giờ có. Mà nhìn con đường mòn từ Marrakech đến đây thôi cũng đã thấy nản rồi, chẳng có đường rải nhựa, toàn bằng đường làng. Ôtô chở hàng của Omar cũng chỉ đậu được ở một nơi cách ngôi làng đến hơn 10km và từ đó phải dùng xe ngựa đi. Đi đường sóc ê hết cả mông.
Ngoài việc rất khó có thể đến được bằng các phương tiện giao thông, làng Tilfitine còn nằm ở một vị trí địa lý khá hiểm trở, ở độ cao 2000m . Bình thường người dân ở đây vốn đã bị cách ly với thế giới bên ngoài, vào mùa đông tuyết rơi thì chắc là còn khủng khiếp hơn nữa.
Ở cái vùng chó ăn đá gà ăn sỏi này, chẳng trồng trọt được gì mấy. Nguồn lương thực chủ đạo là nghề chăn nuôi với lèo tèo vài con dê và cừu. Lèo tèo thế thôi nhưng đối với dân làng này là cả một gia tài kếch xù. Họ thường gán cho nghề chăn nuôi gia súc biệt danh « sổ tiết kiệm có 4 chân ».
Chỉ cách Marrakech có 70km thôi nhưng đã là cả một thế giới khác, lạc hậu như ở thế kỷ trước. Cuộc sống của người dân cũng giống như tất cả các làng mạc nhỏ rải rác khắp vùng núi Atlas của Marốc. Không trường học, không bệnh viện, không tivi…
Người dân làng này có xuất xứ từ một bộ tộc du mục Berber trước kia phiêu bạt trên sa mạc. Nhiều người thường nhầm lẫn và vơ đũa cả nắm cho rằng người Berber và người Ảrập là một. Không phải vậy. Người berber tồn tại trên vùng đất này từ rất lâu rồi, cũng phải vài nghìn năm.
Sau đó, người Ảrập từ Trung Đông xa xôi chinh phạt Marốc vào thế kỷ thứ 7 sau công nguyên và mang theo đạo Hồi. Người berber quy phục và chấp nhận đạo Hồi như là tôn giáo chính của họ. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là họ từ bỏ những thói quen du mục và sống theo cuộc sống của người Ảrập. Phụ nữ ở đây không phải lúc nào cũng che kín mặt như mấy đồng chí đạo Hồi chính thống
Bởi sự khắc nghiệt của cuộc sống, phần lớn làng mạc kiểu như Tilfitine bị bỏ hoang. Do vậy, nhà cửa do bị bỏ hoang nên không có sự trùng tu cần thiết và tự xuống cập, mưa gió làm nốt phần việc còn lại và tất cả sụp đổ. Một phần khác giải thích số lượng nhà bỏ hoang nhiều nhưu vậy là do thói quen sống có nguồn gốc du mục của dân làng. Mặc dù sống ổn định hơn tại một ngôi làng, điều đó không có nghĩa là người dân chịu sống mãi trong một ngôi nhà. Sống được khoảng vài năm, họ chán thì lại bỏ đi xây nhà ở một vị trí khác gần làng. Điều này lý giải sự xuất hiện của nhiều hố đào dở dang. Họ đào đến một mức nào đó để làm móng nhà, nhưng thấy vị trí không thích hợp lại bỏ nguyên đấy rồi bỏ đi tìm một vị trí mới.
Omar giới thiệu cho tôi gặp mặt một gia đình của làng : bà Fatima và con gái Soumia. Tình cảnh của bà Fatima cũng khá phổ biến : góa phụ do người chồng đi kiếm kế sinh nhai phương xa rồi mất tích hoặc ruồng bỏ vợ. Trường hợp của Fatima còn éo le hơn vì bà trải qua 2 đời chồng, chồng thứ nhất bỏ bà đi theo một phụ nữ giàu có ở thành thị, người chồng thứ 2 qua đời vì lao phổi mà không có thuốc chữa. Soumia là những gì mà người chồng thứ 2 để lại.
Ở đây, hiển nhiên nước là một trong những điều tối quan trọng để sống sót được. Nhưng nguồn nước sinh hoạt nằm ở rất xa ngôi làng Tilfitine, hơn 7km. Nhưng có vẻ như khoảng cách đó chẳng là gì đối với hai người dân này. Hàng ngày họ vẫn thản nhiên quốc bộ 4 lần để lấy nước. Tức là khoảng gần 30km đi bộ. Phải mình thì chắc là dùng luôn xe máy đi cho tiện.
Từ ngoài hiên ngôi nhà của Omar, tôi được mời ngồi trên điểm cao nhất để ngắm toàn cảnh thiên nhiên. Cảnh càng hùng vĩ bao nhiêu thì nhìn xuống ngôi làng lại tỉ lệ nghịch bấy nhiêu. Tất cả nền kinh tế ở đây chỉ gói gọn ở vài con vật nuôi và một số rau quả trồng trên sườn đồi. Thiếu thốn quá !!
|
Omar và Imbrahim đang ngắm nhìn một cách trầm tư |
|
Fatima và con gái đang quần quật với chiệc cối xay |
|
Youssef, 18 tuổi là một trong số người trẻ hiếm hoi của làng. Những người như cậu thì ai mà chẳng mong muốn rời xa ngôi làng nghèo khổ này để tìm kiếm một cuộc sống tốt hơn ở thành thị. Đối với họ,được làm việc ở Casablanca là một ước ao lớn nhất trong đời |
|
Hyatt và Soumia đang canh tác một loại cây danh cho gia súc. Họ bảo tôi là loại cây này không cần quá nhiều nước để phát triển nên rất thích hợp.
|
Youssef và bố mẹ câu ta đang đi chợ ở Adouz, một ngôi làng khác cách Tilfitine khoảng 12km. Ở Tilfitine chẳng có gì để mua cả, thậm chí một nơi để gặp nhau tán gẫu cũng không có.
|
Một ngạc nhiên lớn : Hamman (phòng tắm hơi kiểu ảrập) !!! Nghèo rớt mồng tơi, nhưng kiểu gì cũng phải có một phòng tắm công cộng cho cả làng. Điều đó đủ cho thấy việc giữ gìn vệ sinh cá nhân quan trọng như thế nào với người dân nơi đây. Để có nhiên liệu đốt, họ tìm củi ở một rừng cây thông cách đây không xa. |
Về đến Marrakech cũng tối mịt rồi, tôi vẫn không thể quên ánh nhìn ngạc nhiên và tò mò của người dân làng Tilfitine. Tò mò nhưng lại rất hiếu khách. Họ không biết gì về Việt Nam thậm chí cũng chẳng biết gì về môi trường xung quanh họ. Thế nhưng họ biết làm thế nào để chiến đấu chống lại thử thách của thiên nhiên và tiếp tục sống. Cảm ơn Omar và những lời giải thích của ông.
Ý kiến bạn đọc [ 0 ]
Ý kiến của bạn