Trước hết, chúng ta không nên lầm khí (chân khí) với khí (không khí) chúng ta hít thở hàng ngày, hàng giờ. “Khí” bàn đến trong khí công, theo quan niệm của phương Đông, là một dạng năng lượng tiềm ẩn có trong không gian, được khởi phát bởi sự kết hợp của khí tiên thiên và khí hậu thiên của trời - đất - con người. Một cách đơn giản hơn, đó là sự kích hoạt tinh tế giữa không khí hô hấp với tinh của con người trong một quá trình được tham gia bởi một số yếu tố khác.
Khí (chân khí) vốn đã có ở mỗi người, cùng với huyết tuần hoàn trong khắp cơ thể. Khí đi tới đâu, dẫn huyết tới đó. Khí sinh ra ít, phát tán lệch lạc sẽ sinh ra bệnh. Khí sinh ra nhiều, vận hành thông suốt thì cơ thể khỏe mạnh. Khí công chính là môn học làm cho chân khí được phát động, sinh ra và lưu hành đúng hướng, từ đó cơ thể sẽ có một sinh lực dồi dào và khắc phục được bệnh tật. Nói cách khác, đó chính là một phép dưỡng sinh.
Khí công ở Việt Nam
Tuy có những nguồn gốc sơ khai khác nhau, nhưng khí công được coi là ra đời từ Trung Hoa và cũng chính tại đó khí công đã được phát triển, đạt được những hoàn thiện với công năng làm nhiều người ngạc nhiên và khâm phục.
Có chung một cội nguồn với khí công Trung Hoa hoặc kế thừa nó, nhưng khí công Việt Nam cũng có một số đặc điểm nhất định. Tuy nhiên trải qua một thời gian, môn khí công bị lãng quên và chỉ còn lưu giữ âm thầm trong một số người. Cho đến những năm gần đây, phong trào khí công ở Việt Nam đang dần được khôi phục từng bước, phổ cập đến quần chúng bởi nỗ lực của những nhà khí công tâm huyết. Tuy phong trào mới chỉ tập trung ở một số địa phương và còn thiếu tổ chức đồng bộ, nhưng kết quả đã ở mức ghi nhận được.
Hiện nay, phong trào khí công ở Việt Nam có thể tạm chia ra những dòng chính như sau:
+ Tĩnh công ý thức.
+ Động công vô thức.
+ Động công ý thức.
+ Các phép luyện thở.
Tuy có khác nhau về cách thức tiến hành, nhưng các phương pháp khí công đều nhằm trước hết đến sự ổn định trạng thái cơ thể, trong đó có chữa bệnh. Việc ổn định trạng thái thể xác sẽ làm phát triển tâm sinh lý, dẫn đến khai mở những tiềm năng vốn có của con người.
Khí công là một đặc trưng của phương Đông, được đúc kết từ nhiều năm lý luận và thực tiễn. Nói cho cùng, khí công tìm lại những khả năng thuộc về con người nên không phân biệt quốc tịch, màu da. Người phương Tây cũng có thể tiếp cận môn này, miễn là họ có một niềm tin.
Khả năng và tác dụng
Với từng cấp độ nhất định, khí công có những tác dụng sau:
+ Bảo kiện sức khỏe.
+ Chữa bệnh cho mình và cho người khác.
+ Khai mở ra những công năng mà hiện thời còn được tiềm ẩn.
Tùy từng người, từng mục đích, mỗi người sẽ đặt cho mình những mức độ học tập khác nhau. Nhưng một quan điểm cần thông suốt trong quá trình học khí công là phải làm chủ được khí. Chỉ có làm chủ được khí thì con người mới ở vào trạng thái tốt để phục hồi, ổn định và nâng cao sức khỏe, tránh những tác dụng không mong muốn.
Hiện nay phong trào khí công đang thu hút được rất nhiều tầng lớp. Đặc biệt, có nhiều bạn thanh niên trẻ tiếp thu môn này rất nhanh, đạt được công năng cao trong một thời gian ngắn. Hầu hết những người đã tham gia các khóa học khí công đều nói lên nhận xét sức khỏe được cải thiện, nhiều bệnh mãn tính từng đeo bám dai dẳng đã giảm bớt, thậm chí hết hẳn trong một thời gian đáng ngạc nhiên.
Có những khả năng được coi là kỳ lạ thì lại hết sức bình thường đối với người học khí công. Những khả năng này có được thường là do một quá trình tập luyện có hệ thống nên rất bền vững chứ không phải ở tình trạng “nay có mai không”. Nếu được áp dụng đúng đắn trong một số ngành thì chắc chắn những khả năng đó sẽ đem lại hiệu quả rõ rệt.
Phương thuốc tự trị bệnh
Người học khí công trước hết là để trở thành thầy thuốc cho chính mình. Với khí công, mỗi người sẽ có một phương tiện phòng chống bệnh tật, một phương thuốc chữa bệnh cho mình và những người xung quanh.
Khí công chưa phải là một công cụ y khoa toàn năng, nhưng quả như lời một nhà khí công đã nói: “Khí công không phải là thuốc tiên, nhưng khí công giúp đỡ mỗi con người - nhất là những người bệnh - bằng cách đem lại cho họ một lý do để tồn tại, một cách thức để vươn lên, một phương pháp để phát triển”.
(Theo www.doanhnhan360.com)
Ý kiến bạn đọc [ 0 ]
Ý kiến của bạn