Luyện khí công chữa huyết áp thấp mạn tính

Thứ Ba, 6 tháng 3, 2012
Huyết áp thấp mạn tính là một bệnh thường gặp với các triệu chứng biểu hiện khác nhau tùy theo mức độ: nhẹ thì không có biểu hiện gì hoặc xuất hiện tình trạng mệt mỏi, đau nặng đầu, hoa mắt, chóng mặt, ù tai, giảm trí nhớ...; nặng thì có thể xuất hiện thêm các triệu chứng như tay chân giá lạnh, vã mồ hôi, khó thở, tức ngực, thậm chí có thể có các cơn ngất xỉu.

Trong y học cổ truyền phương Đông, bệnh lý huyết áp thấp mạn tính thuộc phạm vi các chứng bệnh như huyễn vựng, hư lao, quyết chứng... và được điều trị bằng nhiều biện pháp như uống thuốc, châm cứu, xoa bóp, bấm huyệt..., trong đó có một liệu pháp khá hữu hiệu nhưng chưa được nhiều người lưu tâm đến đó là tập luyện khí công. Biện pháp này tuy không đưa huyết áp nhanh chóng trở về trị số bình thường như dược vật nhưng hiệu quả lại tương đối ổn định và đặc biệt là hầu như không có tác dụng phụ. Các bài tập khí công dành cho bệnh lý huyết áp thấp mạn tính khá nhiều, trong bài viết này chúng tôi xin được giới thiệu với độc giả hai công pháp thông dụng nhất là cường tráng công và nội dưỡng công.

Kiên trì luyện tập, cơ thể sẽ khỏe mạnh.

Cường tráng công

Công pháp này được Lưu Quý Trân (Trung Quốc) hấp thu tinh hoa khí công trong dân gian cùng với các phương pháp khí công của Đạo gia, Nho gia và Phật gia tổng hợp lại và chỉnh lý mà thành. Nó cũng thuộc về Tĩnh công nhưng trong hơi thở và tư thế có đặc điểm riêng là đứng trụ và ngồi xếp bằng, có tác dụng dưỡng khí tráng lực, bảo vệ và nâng cao sức khỏe, phòng chống bệnh tật, kéo dài tuổi thọ.

Cách tập cụ thể như sau:

Ngồi tự nhiên trên ghế, hai chân mở rộng bằng tầm hai vai, ngón chân hướng ra phía trước, khớp gối gấp vuông góc, cột sống thẳng ngay, đầu hơi nghiêng về phía trước, hai mắt nhắm hờ, thả lỏng hai vai, cẳng tay hơi gấp. Ngón cái và 4 ngón tay mở rộng tự nhiên như muốn cầm một vật gì đó, đặt ở trước bụng dưới, có thể như là nâng cẳng tay lên. Hai tay đặt trước ngực như ôm quả bóng. Tập trung sự chú ý vào huyệt đan điền. Đây là vị trí tương ứng với huyệt khí hải, nằm ở trên đường trục giữa cơ thể, dưới rốn 1,5 thốn đồng thân. Khi luyện tập chỉ cần tưởng tượng đan điền là một vùng tròn to hay một quả cầu bé nằm ở giữa vùng bụng dưới. Theo y học cổ truyền, đan điền là "sinh khí chi hải" (biển của sinh khí) có vai trò quan trọng trong nhân thể. Thở sâu, khi hít vào ngực và bụng phình lên, khi thở ra ngực và hụng thu vào. Khí hít vào nên ngắn, khí thở ra nên dài. Mỗi ngày luyện 3-5 lần, mỗi lần 30-60 phút.

Nội dưỡng công

Công pháp này thuộc thể loại Tĩnh công, được lưu truyền rộng rãi trong dân gian Trung Quốc từ rất sớm. Năm 1947 đại sư Lưu Quý Trân đã tiến hành chỉnh lý, tổng kết và sau đó chính thức trở thành một trong những phương pháp chính của khí công.

Cách tập cụ thể như sau:

Có thể dùng cách nằm hoặc ngồi xếp bằng tròn. Nếu nằm thì có thể nằm nghiêng, nằm ngửa hoặc nằm sấp, nhưng thông thường là nằm ngửa ngay ngắn trên giường, đầu hơi cúi về trước, hai mắt nhằm hờ, hai tay duỗi thẳng tự nhiên dọc theo thân mình, lòng bàn tay úp xuống, chân duỗi thẳng, hai gót khép lại, các ngón chân xòe ra tự nhiên. Nếu ngồi thì ngồi ngay ngắn trên ghế, đầu hơi cúi về trước, hai mắt nhắm hờ, ngực nhô lưng thẳng, hai vai và khuỷu tay thả lỏng, ngón tay duỗi, lòng bàn tay úp xuống đặt trên đùi, hai chân cách nhau cùng tầm với vai, gối gấp 90o (đùi song song với mặt đất) bàn chân bám đất.

Miệng hơi ngậm, thở bằng mũi, trước tiên hít vào thật sâu rồi ngừng thở giây lát, sau đó từ từ thở ra (hít vào - ngừng thở - thở ra), luân phiên đều đặn như vậy. Phối hợp với niệm câu từ, thông thường bắt đầu bằng câu có 3 chữ (khi hít vào niệm một chữ, khi ngừng thở niệm một chữ và khi thở ra niệm nốt chữ còn lại), sau đó tăng dần lên nhưng không nên quá 9 chữ. Câu gì cũng được nhưng nên chọn những câu có nội dung như: "Tự kỷ tĩnh", "Nội tạng động, đại não tĩnh", "Tự kỷ tĩnh tọa", "Tự kỷ tĩnh tọa thân thể khỏe", "Kiên trì luyện tập cơ thể sẽ khỏe mạnh"... Câu từ niệm có tác dụng tập trung tư tưởng, dứt bỏ mọi ý nghĩ tản mạn, thông qua ám thị có thể dẫn đến những hiệu ứng sinh lý tương ứng với câu từ. Cần chú ý khi hít vào thì lưỡi nâng lên chạm hàm ếch, khi thở ra thì lưỡi hạ xuống và khi ngừng thở thì lưỡi bất động. Tập trung tư tưởng vào đan điền. Người mới tập nội dưỡng công, mỗi ngày nên luyện một lần trong 10-15 phút; người đã tập thành thạo có thể luyện 2-3 lần trong ngày, mỗi lần từ 20-30 phút.

Có thể dùng đơn độc hoặc kết hợp cả hai công pháp. Điều quan trọng là phải tập luyện kiên trì và đều đặn. Cần lựa chọn nơi tập luyện cho thích hợp, bảo đảm yên tĩnh, thông thoáng nhưng không bị gió lùa. Trước khi luyện tập 15-20 phút cần dừng mọi hoạt động thể lực và trí óc căng thẳng, đi vệ sinh và cởi bớt áo ngoài. Trong thời gian tập nên sinh hoạt điều độ, không hút thuốc lá và uống rượu, tránh mọi căng thẳng tình cảm. Sau khi tập xong, không nên vội đứng lên ngay hoặc cử động mạnh, dùng hai bàn tay xoa mặt, vuốt nhẹ hai mắt, sau đó từ từ trở lại hoạt động bình thường. Không nên luyện công khi quá no hoặc quá đói, khi bị cảm mạo, tiêu chảy cấp tính và quá mệt mỏi cũng nên tạm ngừng tập luyện.  

Theo: Việt Y Đường

Xem thêm bài viết cùng chuyên mục:

Ý kiến bạn đọc [ 0 ]


Ý kiến của bạn