Một số vấn đề cơ bản về khí công - theo quan niệm của Vovinam

Thứ Năm, 29 tháng 3, 2012
Sự sống bao gồm hoạt động và nghỉ ngơi. Các xúc động tâm lý, những căng thẳng thần kinh sẽ gây sự cản trở hoạt động và nghỉ ngơi.

thiếu bền bỉ dẻo dai, không sáng suốt nhận định đều do những căng thẳng, những xúc động gây ra. Hoạt động như vậy khó đạt được hiệu quả. Thân xác không hoạt động, trong lòng lại đầy những tính toán lo âu, là nghỉ ngơi không trọn vẹn, sinh lực chẳng được phục hồi. Hoạt động nghỉ ngơi như vậy, cuộc sống của ta khó có an vui hạnh phúc. Qua thực nghiệm, người xưa đã tìm ra và khoa học ngày nay đã công nhận: Với sự tập luyện khí công, nhịp tim sẽ được điều hòa để bộ máy tâm sinh lý được cân bằng ổn định; lúc đó, sự hoạt động và nghỉ ngơi mới được trọn vẹn.

TĨNH LUYỆN VÀ ĐỘNG LUYỆN

Khí công gồm hai phần: Tĩnh luyện và động luyện.
Khí công tĩnh luyện có thể tập ở hai tư thế: Ngồi hoặc nằm.

Ở tư thế ngồi, ta xếp bằng hoặc cài chéo hai chân vào nhau, hai bàn tay úp xuống đùi, cánh tay ép vào lườn, xương sống thẳng để khí huyết dễ luân lưu, mắt nhắm chủ tâm vào tam tinh là vùng giữa hai chân mày, đối chiếu với não, đó là vùng suy nghĩ của não bộ. Chủ tâm vào vùng này khi luyện khí, lâu ngày ta sẽ làm chủ được tư tưởng của mình và có khả năng tập trung tư tưởng cao.

Ở tư thế nằm, ta nằm ngửa, hai tay để xuôi theo chân, bàn tay úp, mắt nhắm, chú tâm vào vùng rốn. Chú tâm vào vùng này khi nằm luyện khí, huyết sẽ dồn xuống bụng làm thần kinh bớt căng thẳng. Nhờ vậy ta dễ đi vào giấc ngủ và có giấc ngủ êm sâu.
Tập khí ở hai tư thế này, mắt phải nhắm lại, môi khép kín, lưỡi co lên hàm trên để kích thích sự hoạt động của các tuyến nước miếng là phương dược trong cơ thể con người giúp chận bớt các chứng sưng gan, tim lớn và ngăn chặn được các chứng loét bao tử, thực quản.

Khí công động luyện: Nhu khí công quyền.

Thí dụ: Bài Nhu khí công quyền với lối thở hai thì của Vovinam-Việt võ đạo.
Như tên gọi đây là bài tập kết hợp hơi thở với các động tác co duỗi của tay, di động của chân với sự làm mềm tối đa của các cơ bắp khi vận động. Nếu dày công tập luyện sẽ có khả năng làm chủ tâm ý, biết giảm bớt căng thẳng từ đó sẽ có sự sáng suốt, bền bỉ dẻo dai khi hoạt động, khi làm việc tay chân hoặc trí óc. Lúc luyện tập các bài nhu khí, phải chú tâm vào các động tác để cảm nhận được sự co duỗi của các cơ bắp, môi khép, lưỡi để tự nhiên, hít thở bằng mũi, hơi thở ăn nhịp với động tác, chú ý làm mềm các cơ vùng mặt và cơ bàn tay để có sự nhẹ nhàng thư thái trong tâm khi vận động.

Tập khí công là tập thở bằng bụng: Hít vào phình bụng lên, thở ra thóp bụng lại.

Hít thở bằng mũi. Hơi dài ngắn tùy sức, nhưng phải êm nhẹ, thời gian vào ra của hơi thở bằng nhau. Đây là phương pháp khí công tu dưỡng nên ngoài các cơ bắp giúp vùng bụng phình lên, hóp lại, giúp tay chân chuyển động các cơ bắp khác, nhất là các cơ bắp vùng mặt và cơ bản tay phải làm mềm tối đa.

Để đáp ứng nhu cầu hoạt động nghỉ ngơi của con người, như đã trình bày, khí công gồm hai phần: Động luyện và tĩnh luyện. Dù động hay tĩnh đều có thể cương hoặc nhu luyện. Khí công cương luyện là hít thở kết hợp sự căng cứng toàn bộ hay từng phần cơ bắp. Và sự tập trung cao độ của thần kinh vào vùng cơ bắp căng cứng. Đó là dùng lực để vận khí và phương pháp này tạo sức mạnh về thần chất cho người tập luyện. Khí công nhu luyện là hít thở đi đôi với sự làm mềm các cơ bắp, tạo êm dịu cho hệ thần kinh. Các cơ bắp khi ở trạng thái mềm tối đa, cơ thể con người được nghỉ ngơi trọn vẹn và sinh lực được mau chóng phục hồi. Khí công nhu luyện giúp người tập có một nhịp tim điều hòa, một hệ thần kinh ổn định, sự điềm tĩnh nhu hòa sẽ đến .Đó là sức mạnh tinh thần.

Khi luyện khí phải biết kết hợp cả động lẫn tĩnh, cả cương lẫn nhu. Tuy nhiên nếp sống ngày nay đã khiến mọi người đã hoạt động quá nhiều, gây ra quá nhiều sự căng thẳng về thần kinh nên cách tập thích hợp nhất cho mọi người là dù động hay tĩnh nên nhu luyện nhiều hơn để tái luyện cân bằng

Có người nhờ luyện khí đã có những khả năng phi thường. Đó là trường hợp ít có. Những người này ngoài căn cốt đặc biệt còn phải trải qua thời gian dài dồn toàn bộ tâm sức để luyện tập với các phương pháp vượt khỏi sức chịu đựng của mọi người. Cũng có những khả năng phi thường tự nhiên xuất hiện ở một số người. Khả năng siêu nhiên chính là tiềm năng của con người, có thể do tập luyện, cũng có thể do tự nhiên xuất hiện. Đây không phải là hiện tượng phổ biến.

MỘT SỐ CÁCH HÍT THỞ KHI LUYỆN KHÍ
Có nhiều lối luyện khí:
Hai thì: nạp (hít vào), xả (thở ra),
Ba thì: nạp, vận (nín thở lúc khí đầy phổi, đẩy khí đi toàn châu thân), xả,
Bốn thì: nạp, vận, xả, bế (ngưng thở lúc đã thở hết khí trời ra).
Các lối thở này, với sự điều chỉnh hơi thở ra vô, êm nhẹ, từ từ, dài lâu, giúp người tập có khả năng điều chỉnh được nhịp tim, chịu đựng được các tình trạng thiếu oxy hoặc tăng nồng độ carbonic trong máu, từ đó bắt buộc hệ thần kinh điều chỉnh cho thích nghi, tạo sức đề kháng để cơ thể có thể chống lại mọi thay đổi đột ngột của môi trường.

Khi tập thở, hơi thở ra vô dài ngắn, tùy theo sức chịu đựng của mỗi người. Kiên nhẫn tập luyện, hơi thở sẽ trở nên êm nhẹ, lâu dài, thong thả, nhịp thở ra vô sẽ đều nhau, nhịp tim được điều hòa, hoạt động của bộ máy tâm sinh lý sẽ cân bằng ổn định. Sự cân bằng này được biểu lộ qua tác phong điềm tĩnh nhu hòa, vô cầu.

Khi đã có sự cân bằng này rồi, nếu muốn ta có thể luyện qua hơi thở ba thì, bốn thì.

Chỉ trong hoạt động, ta mới phải nín thở lấy sức, còn bình thường, lối thở hai thì là lối thở tự nhiên của mọi người. Ai cũng hít thở nhưng nếu không luyện khí, sự hít thở sẽ không hoàn chỉnh. Sự hít thở gọi là hoàn chỉnh khi cả lúc động cũng như lúc tĩnh hơi thở ra vô lúc nào cũng nhẹ êm, sâu dài, thong thả. Luyện khí ở tư thế nhu tĩnh, ta dễ chuyên chú vào khí để hoàn thiện, dễ làm chủ hơi thở của chính mình. Nhớ tập nhu khí ở tư thế tĩnh, ta sẽ dễ phát huy được công năng của các tế bào nhu khí, cương khí đối với bản thân khi luyện tập. Đó là sự kết hợp giữa động và tĩnh trong luyện khí. Nếu chuyên luyện nhu khí, sự trẻ trung tươi mát, sự bền bỉ dẻo dai, sự hồn nhiên vô tư, sự hiền hòa từ tốn, sự bao dung độ lượng sẽ đến với ta. Đây chính là cái đẹp bên ngoài của tinh thần Nhân võ đạo.

Vận động với nhịp độ nhanh, cường độ mạnh, cần tăng cường hô hấp nên đôi khi phải thở ra bằng miệng mới kịp. Tuy nhiên, tốt nhất ta nên hít thở bằng mũi bởi những lý do sau đây:

- Mũi là bộ máy điều hòa không khí của cơ thể. Với những nếp gấp ở hốc mũi, không khí hít vào được tẩy bụi, hấp nóng, có khi lại được tiếp hơi ấm để đủ điều kiện cần thiết trước khi vào phổi. Hít vào bằng mũi, thở ra bằng miệng, mũi do hô hấp nóng không khí hít vào, nhiệt độ bị giảm dần, sẽ bị lạnh. Điều này có thể gây sổ mũi hoặc sưng cuống phổi. Nếu thở ra bằng mũi hơi thở sẽ hoàn lại chất nhiệt cho mũi và như thế lại giúp nó làm tròn vai trò điều hòa không khí hít vào.

- Mũi có vai trò làm điều tiết lưu lượng không khí hít vào, thở ra và làm giảm tốc quá trình hô hấp. Hít vào bằng miệng, lẽ tất nhiên ta đưa nhanh chóng vào phổi một lượng lớn không khí và như thế dễ làm tổn thương nhiều phế nan tế nhị. Vả lại, nên hiểu rằng khi hít vào, phổi vừa hấp thụ không khí lẫn máu theo tỉ lệ nhất định để giữ vững cân bằng cho môi trường bên trong. Thở bằng miệng thường làm thay đổi tỷ lệ đó và làm mất cân bằng cơ chế hô hấp vốn rất tinh tế. Thở bằng miệng chỉ áp dụng trong trường hợp khẩn cấp do cơ thể đòi hỏi.

- Những nếp gấp trong mũi được phủ đầy đầu dây thần kinh có mắc nối với nhiều cơ quan và các trọng tâm thần kinh. Gặp người bị ngất, cho họ ngửi amoniac hoặc giấm chua, họ có thể tỉnh ngay. Cơ thể con người cũng cần được kích thích bởi luồng không khí qua mũi.

KHAI THÔNG KINH LẠC
Trong cơ thể con người, mạch là những ống dẫn huyết từ tim chạy ra khắp châu thân và ngược lại. Theo Đông y, ngoài mạch máu ra, còn có hệ thống kinh lạc. Kinh là những đường dây nối liền các huyệt châu thân theo một hàng dọc và lạc là những đường nối liền từ kinh nọ sang kinh kia, chạy theo hàng ngang. Có 2 kinh chính là Nhâm kinh và Đốc kinh. Nhâm kinh là đường kinh nối liền từ chỗ hõm ở môi dưới chạy thẳng xuống, qua lằn chỉ ở dịch hoàn đến hậu môn. Đốc kinh là đường kinh chạy từ đỉnh xương cùng lên đến đỉnh đầu trỏ ra trước mặt, vượt qua rãnh dưới đầu mũi tới nuớu răng hàm trên. Khi luyện khí, hai môi nên khép lại cho Nhâm kinh và Đốc kinh được nối liền với nhau để khí dễ luân lưu. Ngoài ra, lưỡi co lên, chạm đốc giọng để kích thích sự hoạt động của các tuyến nước bọt. Theo y học, nước bọt là phương thần dược trong cơ thể con người, có thể trị các chứng sưng gan, tim lớn, làm thần kinh mát dịu, nhất là những chứng lở loét bao tử. Chúng ta vẫn thường thấy rằng một cái dàm hay xương cá chích vào chân răng, lưỡi miệng, chỉ trong 2-3 giờ đồng hồ không nghe nhức nữa. Nếu da thịt bị như thế, ít nhất 2-3 hôm mới hết, có khi lở thành mụn nữa.

Tập khí công là tập thở bằng bụng dưới hít vào, phình bụng, thở ra, hóp bụng để kích thích vùng đan điền. Đông y quan niệm đó là nơi tích tụ sinh lực của con người và khoa học ngày nay xem đó là vùng trọng tâm của thân thể. Khi kích thích đúng mức, sinh lực sẽ phát huy. Nói cách khác, khi trọng tâm con người, do tập luyện trở về vị trí đan điền, tâm sinh lý được cân bằng. Trong trạng thái cân bằng, sinh lực sẽ được phát huy toàn vẹn. Nếu đã nắm vững hệ thống kinh mạch, ta có thể dùng tư tưởng để dẫn khí. Tuy nhiên, dùng khí dẫn ý sẽ sinh tâm lý nóng vội vì muốn mau chóng thành công, như vậy dễ đi đến tình trạng thái quá, dễ gây căng thẳng cho hệ thần kinh, hệ tim mạch bị loạn nhịp. Sinh lý bị xáo trộn do luyện khí, người xưa gọi là “tẩu hỏa nhập ma”. Cách tập an toàn nhất cho tất cả mọi người là tập với lòng thanh thản vô cầu, không dùng ý dẫn khí, chỉ thư giãn tối đa, tuỳ theo cơ thể mà tập; chú tâm vào từng vùng nào đó. Thí dụ: tập khí ở tư thế tĩnh tọa, chú tâm vào vùng giữa hai chân mày; ở tư thế nằm, chú tâm vào vùng rốn. Khi thở đúng mức, khai thông được hai kinh Nhâm, Đốc, luồng khí sẽ chu lưu khắp cơ thể theo hệ thống kinh lạc. Khi hít thở, dưỡng khí qua phế nang được máu hấp thụ, theo động mạch đi đến các cơ quan. Khí di chuyển theo đường kinh lạc là một thứ khí khác, người xưa gọi là chân khí, tiên thiên khí, khí thái hư… Hấp thụ được luồng khí này, con người sẽ phát triển được các phẩm chất thanh cao, hướng thượng. Người tập có khả năng điều khí tốt, khai thông được Nhâm-Đốc kinh, thì các bài nhu khí, cương khí sẽ giúp thúc đẩy, dẫn khí ra tứ chi. Khai thông kinh lạc là bước đầu của lĩnh vực khí công.

Tập khí công phải biết phối hợp giữa động với tĩnh, giữa cương với nhu và đó là nguyên lý Cương-Nhu phối triển của Vovinam-Việt võ đạo.
Vovinam-Việt võ đạo.
Xem thêm bài viết cùng chuyên mục:

Ý kiến bạn đọc [ 0 ]


Ý kiến của bạn