Những tiềm năng thú vị của ngành y học bổ sung

Thứ Hai, 12 tháng 3, 2012
Từ cuối thế kỷ 20, Tây y đã không còn là sự lựa chọn duy nhất. Một số ngành y học bổ sung với các biện pháp chữa bệnh bằng năng lượng vũ trụ, thiền định... tuy mới mẻ nhưng đã góp phần cải thiện sức khỏe cho con người.

Tinh thần là yếu tố quyết định


Anh Trần Quân Tưởng, người đã chiến thắng bệnh tật nhờ phương pháp y học bổ sung

Anh Trần Quân Tưởng (Hà Nội) bị nhiễm Dioxin, mắc bệnh tim… phải nằm một chỗ; nhờ châm cứu đã đi lại được, đã lấy vợ và sinh một con trai. Đến nay, sức khỏe anh khá tốt, dù đi lại còn khó khăn nhưng sự phục hồi của anh là một minh chứng cho sự hiệu quả của Y học bổ sung. Kết quả này là nhờ ứng dụng điều trị cho các bệnh nhân nặng và hóa giải chất Dioxin bằng phương pháp châm cứu của TS Phạm Văn Hồi, thuộc Viện nghiên cứu Năng lượng vũ trụ.

Nói về sự gia tăng của bệnh trầm cảm và hoảng loạn, BS Nguyễn Thị Kim Hưng, Nguyên Viện trưởng Viện dinh dưỡng TPHCM, cho rằng: “Xét ba vấn đề ngủ nghỉ, ăn uống và vận động, chúng ta có thể thấy một điều, chưa khi nào con người ta biết nghỉ ngơi thật sự. Đi ngủ là lúc cơ thể nghỉ ngơi tốt nhất nhưng trong đầu óc mỗi người vẫn có bao lo toan”.



Hiện, một số nước đã có các trung tâm giải độc cho tinh thần và thể xác của con người nhưng tại Việt Nam thì chưa. Số ca bệnh truyền nhiễm, trầm cảm, hoảng loạn ngày càng gia tăng. Ngân sách tung ra cho công tác điều trị rất lớn nhưng lượng người bệnh giảm không nhiều. Chính vì thế, không chỉ “khỏe” ở cơ thể mà còn phải “mạnh” trong tinh thần, nội tâm của mỗi người. Chỉ khi tinh thần được khỏe mạnh, lòng người được thư thái, thoải mái thì con người mới ít bệnh tật; đây chính là hạt giống quyết định mà lâu nay ít ai để ý.  

Một cách giúp nâng cao trạng thái quân bình của cơ thể, tinh thần và tìm lại chính cái tôi của mình

“Nhiều người mải chạy theo công việc, bon chen trong cuộc sống nên không có được chút thảnh thơi. Bạn phải làm sao để trong sinh hoạt, học tập, làm việc có được sự bình an sâu sắc, tình yêu thương chân thật, hành phục thật sự, niềm an lạc, sự thanh tịnh, thông thuệ và sức mạnh nội tâm…”, bác sĩ Hưng nhấn mạnh.

Vì thế các chuyên gia rất chú trọng vai trò của thiền và yoga trong việc mang lại sự cân bằng tâm lý và thể lý, giúp con người tự bảo vệ trước những áp lực, khó khăn của cuộc sống. Việc tập luyện này giúp làm giảm huyết áp, giảm cortisol gây stress, cholesteron, tăng khả năng sáng tạo và hệ miễn dịch, giảm lo lắng, sinh ra kháng thể chống cúm trong mỗi người.

Chị Nguyễn Thị Thúy Hạnh, một doanh nhân tại Sài Gòn cho biết: “Công việc nhiều khi khiến tôi cảm thấy rất mệt mỏi, nhưng từ khi tập thiền cùng yoga Tây tạng, tôi cảm thấy mình có nhiều chuyển biến tốt về sức khoẻ cũng như tinh thần. Tôi bớt nóng giận và thường đưa ra các quyết định trong công việc một cách nhanh chóng, chính xác hơn”.

Ứng dụng trong nhiều lĩnh vực

Không chỉ mang lại sức khỏe cho cộng đồng, Năng lượng vũ trụ của ngành Y học bổ sung còn được ứng dụng trong lĩnh vực Nông nghiệp. TS Đoàn Thị Băng Tâm đã trình bày cho mọi người thấy sự thú vị của Năng lượng vũ trụ trong việc trồng lúa, rau cải, cây ăn trái, chăn nuôi… giúp nông sản sạch, năng suất ổn định, giảm chi phí sản xuất.

 Theo TS Tâm, hiện nay việc ứng dụng Năng lượng sinh học trong đời sống cộng đồng và nông nghiệp đã trở thành hiện thực và được đông đảo quần chúng tham gia. Việc ứng dụng này được thực hiện từ năm 1997 đến tháng 10/2009. Hiện đã có 78 cơ sở áp dụng và ở khắp 3 miền Bắc, Nam và Trung. Diện tích nông nghiệp được bà con nông dân tự canh tác và thử nghiệm lên tới 103,7 ha; trong đó các sản phẩm lúa, chè và tôm cá được truyền năng lượng nhiều nhất.

Năm 2005, sản phẩm “Lúa nhân điện” của PGS TS Đoàn Thị Băng Tâm đã đạt huy chương vàng và được Bộ Y tế cấp giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm. Giống lúa này được thực hiện theo cách sản xuất gạo năng lượng, không sử dụng thuốc trừ sâu và phân bón hóa học.

Ngoài ra, các nhà khoa học còn ứng dụng năng lượng sinh học để trồng cà rốt, trung bình mỗi năm đạt 1,8-2 tấn/sào, tương đối ổn định trong 5 năm (từ 2005-2009). Chất lượng cà rốt thơm, ngọt, mềm, không có vị hăng, lại an toàn, có thể ăn sống vẫn đảm bảo sức khỏe.

Việc trồng trọt theo năng lượng sinh học không dùng phân bón hóa học, đạm, thuốc kích thích sinh trưởng, thuốc trừ sâu nên vốn bỏ ra tiết kiệm rất nhiều. Với cách sản xuất này giúp bảo vệ môi trường, môi sinh và sức khỏe cộng đồng.

Theo Dân Trí

Xem thêm bài viết cùng chuyên mục:

Ý kiến bạn đọc [ 0 ]


Ý kiến của bạn