P18 - 24h giờ tại Khâm Đức

Thứ Ba, 27 tháng 3, 2012
(Tiếp theo)
Chân phượt là chân đi. Quẩn quanh một hồi rồi lại về phòng, mình mở cái máy MID còi ra xem bản đồ. Lúc này khá phân vân giữa 2 hướng đi dành cho ngày mai. Trong kế hoạch trước đó thì sáng sẽ rời Khâm Đức về Hiệp Đức, qua Eo Gió đi Tam Lộc đếm thành phố Tam Kỳ.

Tình là vậy nhưng con đường Hồ Chí Minh tuyệt đẹp này cứ làm bọn mình tiếc rẻ, không muốn rời bỏ. Nhưng theo lối này sẽ khá xa - mất hơn 200km, vượt thị trấn Plei Kần để đến thành phố Kon Tum - từ đây mới có xe về Sài gòn được.

Phân vân nhiều, cuối cùng cũng phải gút lại và theo lộ trình cũ - vả lại thời gian cũng không còn, đóng cửa tiệm lâu quá thì sập mất!

< QL14 đoạn vào Khâm Đức đẹp lắm, đường cứ chạy mãi lên cao...
Nghe bà xã nhắc đến cái thác lúc vào nên bây giờ chạy trở ra tìm, cũng không nhớ nằm ở khúc nào nữa...

Phước Sơn có gì? 

Ngoài những gì mình đã kể về Khâm Đức, Phước Sơn thì tại đây còn có gì? Về lĩnh vực du lịch, Phước Sơn có những nơi đầy tiềm năng đáng lưu ý như sau (tổng hợp từ báo Quảng Nam):

< Vừa chạy vừa nhìn, nửa kia 'khớp' bèn nhắc: anh lo lái xe, để em tìm cho. He he, cứ nhìn thì có ngày rớt xuống vực mất!

1. Di tích cứ điểm Ngok Tak Vak

Cứ điểm Ngok Tak Vak thuộc xã Phước Mỹ, huyện Phước Sơn, cách thị trấn Khâm Đức 15 km về phía Tây theo đường Hồ Chí Minh.
Di tích cứ điểm Ngok Tak Vak này có tiềm năng phát triển loại hình du lịch thăm chiến trường xưa đối với những người từng tham chiến khu vực này, cũng như loại hình du lịch dã ngoại, leo núi đối với giới trẻ thích tìm hiểu, khám phá thiên nhiên.

< Rừng núi chập chùng. Người thành phố thiếu cái này nên họ thường đi tìm, gọi nôm na là "du lịch" hay "đi phượt".

2. Di tích đồi E

Di tích đồi E nằm ngay cạnh đường Hồ Chí Minh tại Km 303, thuộc địa bàn thị trấn Khâm Đức. Nơi đây từng là cứ điểm quan trọng của quân đội Mỹ - Ngụy trong thời kỳ trước 1975. Hiện nay tại khu vực di tích không còn lưu giữ các hiện vật.

< Chạy tìm mãi đến tận ngã 3 Khâm Đức - QL14E cũng không thấy thác, nó đâu rồi cà? Nửa kia khẳng định là lúc vào có nhìn thấy - vậy là trở ngược đầu xe chạy vào.

Đồi E có độ cao lý tưởng hơn 1.000m so với mặt nước biển nên khí hậu rất mát mẻ, sườn phía Đông là trung tâm thị trấn Khâm Đức, sườn phía Tây giáp xã Phước Đức. Đứng trên đồi E, có thể quan sát được toàn cảnh thị trấn Khâm Đức và các xã lân cận như xã Phước Đức, Phước Năng. Phù hợp với việc đầu tư khai thác các loại hình du lịch nghĩ dưỡng.

< Cuối cùng thì ghé vào đây: may mắn là còn hơn mươi cái kẹo dành cho các em, chia nhau nhé.
Gần đó là dăm nóc nhà người dân tộc với bấy nhiêu gia đình.

< Bé con và người mẹ, có lẽ sắp đi tắm suói.

3. Di tích sân bay Khâm Đức

Nơi đây là sân bay dã chiến của Mỹ- Ngụy phục vụ cho mục đích quân sự trong thời kỳ chiếm đóng tại khu vực vùng núi phía Tây của tỉnh Quảng Nam. Hiện nay di tích chỉ còn lại dấu vết của đường băng có chiều dài khoảng gần 03 km, chiều rộng 50 m. Mức độ thu hút khách không cao, tuy nhiên có thể khai thác các tour đặc thù dành cho các cựu chiến binh đã từng tham gia chiến đấu tại khu vực này.

< Bên cạnh những mái nhà là đồng cỏ, sau nữa là núi và rừng - xanh ngát một màu thiên nhiên.

Sân bay Khâm Đức được xây dựng từ thời chính quyền Ngô Đình Diệm, thành cứ điểm quan trọng trong việc cơ động ứng cứu cho nhau giữa các cứ điểm đóng quân ở vùng tây Quảng Nam và Hạ Lào.
Sau khi chế độ họ Ngô sụp đổ, chính quyền Sài Gòn sau này không ngừng tăng cường xây dựng, củng cố căn cứ quân sự và sân bay Khâm Đức, xem đây là một trong những cứ điểm bất khả xâm phạm ở miền tây Quảng Nam.

< Dấu vết còn sót lại của một thời chiến tranh: Một hố bom, bây giờ trở thành một ao nhỏ thơ mộng.

Trong năm 1968, ta chủ trương giải phóng Khâm Đức nhằm giành thế chủ động cho tuyến đường mòn Hồ Chí Minh qua Phước Sơn và kết nối với các căn cứ cách mạng khác từ đồng bằng lên Tây Nguyên”. Vì lẽ đó, số phận của căn cứ và sân bay Khâm Đức đã được định đoạt.
< Lưng chừng vách núi là cái thác mà bà xã nói đây - xem vậy chứ muốn đến phải cuốc bộ hơn cây số rồi... leo núi.

Từ ngày 9 đến 12.5.1968, Sư đoàn 2 của quân giải phóng tiến công tiêu diệt Chi khu quận lỵ Khâm Đức và mở đầu bằng trận đánh tiêu diệt cứ điểm tiền tiêu Ngok Ta Vak, cách Khâm Đức 7km về phía tây nam. Đêm 11 rạng sáng 12.5.1968, Đại đội Đặc công và Tiểu đoàn 11 thuộc Trung đoàn 21 phối hợp với lực lượng vũ trang huyện Phước Sơn đã tiêu diệt các cứ điểm ngoại vi.
< Thác tạo thành dòng suối chảy ra đây...

Đến 6 giờ sáng 12.5.1968, vòng vây càng siết chặt, hỏa lực quân giải phóng bắn phá dữ dội vào sân bay Khâm Đức, bắn rơi 2 máy bay C130, 9 máy bay trực thăng và đồng loạt tiến công tiêu diệt Chi khu quận lỵ. Bị tấn công bất ngờ, lính Mỹ phải xuyên rừng tháo chạy.
< Thật thanh bình nhưng cũng rất nghèo khó. Nhà dưới trụ cao thế nhưng chưa hẳn người ta biết đến ánh đèn điện.

< Rời xóm nhà, bọn mình chạy qua chiếc cầu - vẫn cố ngoáy lại chụp ảnh dòng suối lần nữa, một góc ảnh thật đẹp.

Đến 12 giờ trưa ngày 12.5.1968, cụm cứ điểm Khâm Đức được giải phóng hoàn toàn với hơn 300 linh Mỹ-ngụy bị tiêu diệt, bắt 104 tù binh trong đó có 2 cố vấn Mỹ. Trước tình hình nguy ngập của Khâm Đức, địch vội vã điều Tiểu đoàn 2, Lữ đoàn 196 thuộc Sư đoàn American của Mỹ xuống Khâm Đức, nhưng vẫn không thể cứu được Ngok Ta Vak.
< Trở về thị trấn, đây là cổng huyện Phước Sơn.

Chiến thắng Khâm Đức là chiến thắng lớn nhất của chiến trường Quảng Nam lúc bấy giờ. Ngày nay, di tích sân bay dã chiến Khâm Đức vẫn còn đó, là một trong những điểm du lịch thú vị cho khách tham quan, nhất là những ai từng sống, chiến đấu tại Khâm Đức trong những tháng năm hào hùng ấy.
< Dừng xe cạnh đó ngắm hồ Mùa Thu.

4. Khu bảo tồn thiên nhiên sông Thanh

Nơi này mình đã giới thiệu trong bài trước, trong đó có thác Grăng.


< Bên kia, đối điện là tượng đài Chiến thắng Khâm Đức nằm trên chỏm đồi nhỏ.

5. Thác Nước

Nằm ngay cạnh đường Hồ Chí Minh tại Km 283 thuộc địa bàn huyện. Đây là một thắng cảnh đẹp, nhìn từ xa trông Thác Nước như một bức rèm thưa lúc ẩn lúc hiện giữa màu xanh bạt ngàn của núi rừng. Đến đây, tận hưởng vẻ đẹp thiên nhiên, không khí trong lành, những cảm giác mệt mỏi của du khách dường như tan biến bởi âm thanh sôi động của thác và suối.

< Đứng trên tượng đài nhìn xuống thấy toàn cảnh hồ - tít bên kia là nghĩa trang liệt sĩ.

Thác có độ cao khoảng 20 m, Thác Nước còn có tên gọi khác là Thác Bà Hoàng Mô Ních. Nơi đây đưa vào khai thác du lịch rất hấp dẫn với loại hình du lịch tham quan thắng cảnh, dã ngoại.

< Mé kia của hồ Mùa Thu, đây là hồ chứa nước thủy lợi của thị trấn.

< Tượng đài chiến thắng Khâm Đức.

6. Suối Nước Lang

Suối Nước Lang nằm kề Quốc lộ 14E, thuộc địa bàn xã Phước Hòa, huyện Phước Sơn. Suối Nước Lang từ lâu đã là điểm dừng chân của nhiều du khách và người dân địa phương trong mùa nắng nóng.


< Bọn mình ngắm cảnh trên tượng đài. Bất chợt nghe tiếng lao xao của một nhóm bạn trẻ: lạ rồi thành quen.

Tại suối có nhiều ngọn thác nhỏ đổ xuống những tảng đá xếp kề lên nhau tạo nên một bức tranh đẹp quyến rũ. Trên đầu nguồn, những hồ nước nhỏ phẳng lặng hiện ra như mời gọi du khách. Nơi đây rất yên vắng và thật gần gũi với những ai muốn đi tìm khung cảnh tĩnh mịch, thú vị giữa thiên nhiên hoang dã.

< Nhóm P3m Nguong - năm cô bé xinh xắn cùng diện một màu áo thun đen có dòng chữ in của nhóm phía sau, phía trước là chữ 2012 Band và một con bướm đang vươn cánh như giúp nhau cùng vươn lên trong cuộc sống, cùng học tập tốt hơn.
Mình đang chụp ảnh giúp bọn trẻ.
@P3m Nguong: Xem thêm comment phía dưới.
< P3m Nguong: ngường, ngưỡng, ngượng... gì đó không  biết - chắc đó là một bí mật, hi hi...
Lời hứa khi ấy vẫn còn nguyên: Nhóm P3m Nguong có đọc được những dòng này, muốn lấy ảnh thì mail cho cô chú qua nút Contact Us phía trên nhé. Ảnh khoảng 40 tấm, khổ lớn 1600x1200.
.
7. Dốc Lò Xo

Dốc Lò Xo nằm trên tuyến đường Hồ Chí Minh tại Km 334, trên đường đi Kon Tum. Chiều dài dốc tính từ chân dốc lên đỉnh dốc từ  9 – 10 km.

< Chiều xuống nhanh, hoàng hôn chập choạng ẩn hiện sau những đỉnh đồi.
Di tích đồi E nằm đâu đó trong ảnh.

Đường đèo Lò Xo quanh co uốn lượn, phía dưới là con suối Đắc Chè với khu rừng già nguyên sinh thật đẹp. Nơi đây là điểm đầu tư khai thác loại hình du lịch sinh thái rất tốt.
< Nhóm  P3m Nguong từ giã về trước, trên đài chỉ con lại bọn mình. Tạm biệt những cô bé dễ thương, bà xã cứ nhìn theo chụp mãi.

8. Suối Đắc Gà

Suối Đắc Gà thuộc thôn Long Viên xã Phước Mỹ, cách Khâm Đức 20 km, cách đường Hồ Chí Minh 300 m. Khi vào suối, cảnh quan hai bên cho ta cảm giác về tính hoang sơ và sự hùng vĩ của rừng Trường Sơn.


Đặc biệt nơi đây còn có suối nước nóng rất tốt cho sức khỏe. Hiện nay đường vào suối đã được tu sửa, riêng cầu treo đã được xây dựng từ lâu, nhưng vẫn chưa đưa vào khai thác triệt để về mặt du lịch.

9. Đỉnh Xuân Mãi

Đỉnh Xuân Mãi có độ cao 1.863 m, quanh năm mây phủ, có thể là nơi nghỉ dưỡng rất lý tưởng, cũng thích hợp với loại hình du lịch leo núi.



< Đỉnh Xuân Mãi là đây, ngọn đang nằm trong những áng mây lòa xòa.

10. Nhà Làng truyền thống của đồng bào dân tộc ít người

Nhà Làng là loại hình kiến trúc dân gian truyền thống của đồng bào các dân tộc ít người như Cơ-tu, Ve, Giẻ Triêng, Xơ-đăng,…và gắn liền với đời sống văn hóa tinh thần phong phú.



< Nhìn tượng đài lại nhớ về một chiến thắng oanh liệt thời ấy...

11. Nghề dệt thổ cẩm của người Bh’noong

Tuy chưa phát triển với quy mô làng nghề, nhưng dệt thổ cẩm đã trở thành một nghề truyền thống, mang đậm bản sắc văn hóa của người Bh’noong. Với bàn tay khéo léo và sự cần mẫn, người phụ nữ Bh’noong đã biến những thứ nguyên liệu sẵn có thành những tấm dồ, khố, váy …với nhiều họa tiết, màu sắc rất lộng lẫy và độc đáo.


< Hoàng hôn trên phố núi.

Các công đoạn dệt thổ cẩm của người Bh’noong hoàn toàn được thực hiện bằng phương pháp thủ công, từ khâu kéo sợi, nhuộm màu, dệt và bố trí hoa văn.


Trở về chuyến đi: bọn mình từ giã nơi này vào nội ô thị trấn. Ghé ăn bún thịt nướng, hỏi chị bán hàng "bao nhiêu một tô" thì chị trả lời: "Mươi lăm ngan một tô chừ bi nhiêu mà họi", he he > bôn ba khắp noi nên cái gì cũng phải phòng thủ mà, chị thông cảm.

Thật sự mà nói thì nơi đây giá cả phải chăng: yaourt Vinamilk 4.5k/hủ (mua ở Sàigòn giá sỉ 10 hủ cũng 45k), nước tinh khiết Aquafina 8k/chai 1.5L...


< Thấy gỏi đu đủ ngon ngon nên ghé lại làm vài dĩa, chỉ 10k/dĩa, chè đá ly lớn ngon lắm nhưng chỉ 5k/ly.

Nghe giọng ai cũng biết bọn này người Sài Thành, biết khách du lịch nhưng không có màn chặt chém, thiệt là sướng!

Mà ngộ nghen, không chỉ có bọn mình phượt về đây đâu, thỉnh thoảng nhìn quanh lại có một nhóm khách Tây đi ngang. Tây thích đường HCM thì lẽ nào mình không thích ? Có lẽ họ về thăm lại chiến trường xưa...

Còn tiếp

Điền Gia Dũng - By EmVân Pcworld-com.blogspot.com

Phần 1 - Phần 2 - Phần 3 - Phần 4 - Phần 5 - Phần 6 - Phần 7 - Phần 8 - Phần 9 - Phần 10 - Phần 11 - Phần 12 - Phần 13 - Phần 14 - Phần 15 - Phần 16 - Phần 17 - Phần 18 - Phần 19 - Phần 20
Xem thêm bài viết cùng chuyên mục: , , , ,

Ý kiến bạn đọc [ 0 ]


Ý kiến của bạn