P19 - Suối Nước Lang trên đường 14E

Thứ Tư, 28 tháng 3, 2012
(Tiếp theo)
Sáng hôm sau dậy giữa lúc trời se se lạnh, một cái ren rét thường thấy ở các phố núi. "Hai mình" khoác vai nhau đi trên phố Phạm Văn Đồng rồi tấp vào một quán cà phê sân vườn.

< Rời Khâm Đức lúc 7h35, bọn mình ngược ra ngã 3...

Quán rộng và đẹp không thua kém một quán tương tự tại Sàigòn đâu nhưng một ly cà phê đen để làm tỉnh táo lúc đầu ngày chỉ 7k - thơm phưng phức và đặc sánh, cà phê từ Tây nguyên chở qua mà.

Lơn tơn bát phố đền chợ thì trở về, ghé quán bò bún là một tô, chỉ 15k - quán có nhiều công nhân áo xanh đang điểm tâm, có lẽ họ làm cho một công trường gần đó.

< Ngã 3 Phước Sơn đây, rẽ phải là QL14E đi Phước Hòa, Phước Hiệp...
Bên phải có chổ sửa xe mang bảng hiệu ngồ ngộ: Zin Zin.

Điều nghiêng trước bản đồ của Khâm Đức rồi, biết nơi đây có ngầm và cầu treo cùng tên "Nước Chè", muốn ngắm nghía thì cứ chạy theo QL14 cũ là đến nhưng không còn thời gian, đành chịu.

< Đoạn đầu đường nhỏ nhưng khá tốt, phía trái đường là một chị gái đang lên rẫy - khung cảnh thật thanh bình.

Về soạn hành lý đặt lên xe và trả phòng, bọn mình từ giã phố núi Khâm Đức, chạy trở ra ngã 3 và quẹo phải vào đường AH17 (tức là QL14E) hướng về Tam Kỳ.

< Đường xấu dần, đất đá vương vãi. Qua một cua gắt có tấm bảng chỉ "Đường đi Tam Kỳ" thì mặt lộ như thế này: xấu nhưng cũng không quá tệ.
đang thi công hay công trình?

< Xe lưng tưng một khoảng dài rồi đường  lại ngon lành, vậy là khúc vừa qua chờ thi công.
Mặt đường nhựa hai bên vẫn vương đầy đất đỏ.

< Vừa qua cua thì thấp thoáng phía trước là một cái hồ lớn....
Hồ gì vậy cà?
< Hồ lớn, khung cảnh đẹp. Tít phía xa xa có lẽ là những núi trong cụm núi Xuân Mãi đang chìm trong mây.
Nếu nhìn trên bản đồ thì hoàn toàn không có cái hồ này - Ngạc nhiên rồi chợt hiểu ra...

< ... khi chạy qua con đường nằm ngay trên thân đập: Đây chính là đập thủy điện Đăk mi 4A, một tác nhân chính khiến dòng sông Bung (DakMi) - thượng nguồn sông Vu Gia trơ trọi đáy vì nước người ta đã chặng dòng, tích hết vào đây rồi còn gì?

Thượng lưu thiếu nước trong mùa khô: sông Vu gia chảy ngang TP Đà nẵng cũng sẽ bị nhiễm mặn, ruộng đồng thiếu nước tưới... là viễn cảnh không xa - Lợi ta nhưng lại hại người khác.

< Qua khỏi đập, mình gặp một ngã 3: quẹo phải là vào nhà máy thủy điện.

Theo thông tin từ báo chí, tổ máy H2 Nhà máy thủy điện Đak Mi 4A đã chính thức phát điện, hòa lưới điện quốc gia. Trước đó: vào tháng 6 năm 2009, Đà Nẵng đã yêu cầu Bộ Công Thương và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan buộc chủ đầu tư công trình thủy điện Đăk Mi 4 sớm bổ sung xây dựng cống điều tiết qua thân đập để trả nước lại cho sông Vu Gia với lưu lượng lớn nhất là 87m³/s.

< Nhưng nhà máy không chỉ hiện diện ở chỗ này thôi đâu mà nó còn lềnh khênh dài dài trên QL14E, rồi bạn sẽ thấy.
Phía xa xa là mây lòa xòa, trông như nằm ngang tầm mắt.

Theo tính toán của UBND TP Đà Nẵng về nhu cầu nước ở hạ lưu sông Vu Gia, tổng lưu lượng yêu cầu (dòng chảy môi trường để đẩy mặn, duy trì dòng chảy kiệt; cho nông nghiệp, công nghiệp, sinh hoạt, dịch vụ) hiện tại là 84,19m³/s và 110,94m³/s đến năm 2020.

< Nhà máy trộn bê tông của thủy điện Đak Mi 4A nằm trên một bán đảo của lòng hồ.

Theo tính toán cân bằng nước (trong đó đã tính đến nguồn nước nội thủy của TP Đà Nẵng), do chuyển nước ra khỏi lưu vực nên khi thủy điện Đăk Mi 4 đi vào hoạt động thì tình hình thiếu nước ở hạ lưu sông Vu Gia là rất nghiêm trọng.

< Đường vẫn trải dài trước mắt: quanh co, uốn lượn với những dốc không quá cao. Xe không nhiều bằng những "sư đoàn" bò, heo, cả trâu đang nhởn nhơ trên đường. Mình gặp bầy bò đầu tiên.

Đà Nẵng cũng đã chỉ ra những sai sót lớn của Báo cáo cân bằng nước và đánh giá hiệu ích hạ lưu các công trình thủy điện trên sông Vu Gia - Thu Bồn do Viện Quy hoạch thủy lợi lập năm 2002 là: Lượng nước yêu cầu cho sinh hoạt, nông nghiệp, công nghiệp và du lịch được tính toán trong báo cáo là rất nhỏ so với lượng nước yêu cầu thực tế và quy hoạch đến năm 2020 của khu vực.

< Qua vài khúc quanh thì gặp những ông trâu chào bàn.
Hi hi, mấy ông cố này đứng giữa đường, thân mình đầy sình đất ướt sũng với cái đuôi ve vẩy như muốn "đánh dấu" vào khách bộ hành chạy ngang qua.

< Hồ nước mênh mông vẫn kéo dài theo con lộ 14E, hai bên là đồi núi chập chùng. Đẹp hơn nếu đó là hồ tự nhiên...

Sai về phương pháp luận trong tính toán cân bằng nước, chọn sai thông số thủy văn đầu vào của chương trình tính - chọn thông số lưu lượng kiệt tháng thay vì lưu lượng trung bình tháng, trong khi hai thông số này chênh lệch nhau rất lớn.
< Đường vẫn quanh co trong tiết trời âm u. Đây vẫn thuộc địa phận Phước Sơn, bấy giờ là gần 8h sáng.

Càng sai sót hơn nữa là khi tổng dung tích hữu ích của các dự án thủy điện Sông Côn 2, Sông Boung 2 (Bung), Sông Giằng và Sông Boung 5 đã bị giảm đi 435,4 triệu m³ so với dung tích được đưa vào chương trình tính toán cân bằng nước của báo cáo trên.
Chưa hết, tất cả các báo cáo đánh giá tác động môi trường của các dự án thủy điện trên sông Vu Gia đều không đề cập đến ảnh hưởng của nguồn nước ở hạ lưu.

Đơn vị tư vấn lập dự án thủy điện Đăk Mi 4 còn nhầm lẫn rất cơ bản là "nước sông Đăk Mi chuyển về sông Thu Bồn rồi sau đó sẽ lại chảy về sông Vu Gia", nhưng trên thực tế, chỉ có một lượng nhỏ nước sông Thu Bồn chảy về sông Hàn (Đà Nẵng, hạ lưu sông Vu Gia) qua sông Vĩnh Điện (Điện Bàn, Quảng Nam) nhưng không sử dụng được do nước sông Vĩnh Điện thường xuyên bị nhiễm mặn.

< Tiếp tục gặp những cư dân 'đặc biệt': xe nhỏ phải nhường xe lớn, nhưng nếu xe lớn thấy mấy ông cố này cũng chào thua luôn - vì "ổng" có đặc quyền ưu tiên!

Không biết những tranh chấp nguồn nước kia đến đâu, chỉ thấy bây giờ: cái hiển hiện trước mắt là thượng nguồn Vu Gia - tức sông Bung... trơ trọi đáy.
< Thi thoảng, hồ lại xuất hiện bên phải - trong đẹp nhưng lòng không vui.
Xưa kia "nước" ê hề nhưng trong ngày nay: nước cũng là một tài nguyên quan trọng cần tính toán kỹ để quản lý - không để cảnh "Người lểnh khểnh, kẻ weo râu".
< Vòng cua vặn vẹo, mình nghĩ là sắp đến, sắp thấy một thứ gì đó. Phía phải bây giờ là dòng sông chứ không còn hồ - nước đầy ắp.

< Lại gặp một công trình đồ sộ trên sông, dường như cửa nhận nước gì đó của thủy điện Đak Mi 4A.
Đây vẫn là địa phận xã Phước Hòa, bọn mình vẫn dõi mắt tìm kiếm Suối Nước Lang: một cảnh đẹp của xã.

< Qua một số lán trại của công nhân công trình thủy điện thì mình thấy dòng suối bên phải.

< Vậy là dừng xe lại, bỏ bên vệ đường và "kiểm tra chất lượng" khung cảnh bằng cách xem bản đồ, thăm thú thực tế.

Website huyện Phước Sơn giới thiệu về suối Nước Lang như thế này:

Suối Nước Lang nằm kề Quốc lộ 14E, thuộc địa bàn xã Phước Hòa, huyện Phước Sơn. Phước Hòa có 18.815,4 ha diện tích tự nhiên và 2.076 nhân khẩu.

< Đúng là Suối Nước Lang rồi, suối bắt nguồn từ đỉnh núi Xuân Mãi chạy xuống tận đây. Chỉ được nhìn phần cuối của dòng suối nhưng trông rất đẹp huống gì phía trên kia nhưng lên cao hơn chắc phải cắt rừng.

Địa giới hành chính xã Phước Hòa gồm phía Đông giáp xã Phước Hiệp; Tây giáp xã Phước Xuân và thị trấn Khâm Đức; Nam giáp xã Phước Kim; Bắc giáp xã Cà Dy và xã Quế Lâm.
< Đây cũng là nguồn góp nước cho thủy điện Đak Mi 4A, có nước là có điện, có $.
Dòng thác nhỏ chạy xuống đây rồi chen qua các tảng đá tạo thành dòng đổ vào hồ nước. Nhìn mấy chỏm cỏ bên kia thấy mê không, tiếc rằng bọn mình lười nên không qua suối.

< Lại lên đường. Những "kẻ cản trờ" lúc ni thuộc giống loài khác: một bầy heo! Vui ghê, con đường tả pí lù gia súc.

Suối Nước Lang từ lâu đã là điểm dừng chân của nhiều du khách và người dân địa phương trong mùa nắng nóng. Tại suối có nhiều ngọn thác nhỏ đổ xuống những tảng đá xếp kề lên nhau tạo nên một bức tranh đẹp quyến rũ. Trên đầu nguồn, những hồ nước nhỏ phẳng lặng hiện ra như mời gọi du khách. Nơi đây rất yên vắng và thật gần gũi với những ai muốn đi tìm khung cảnh tĩnh mịch, thú vị giữa thiên nhiên hoang dã.

< Một khách bộ hành cô đơn trên đường vắng.

Nếu được quan tâm đầu tư khai thác Suối Nước Lang hợp lý sẽ rất có hiệu quả vì tại đây có khả năng thu hút cao đối với loại hình du lịch dã ngoại, tham quan, thắng cảnh và nghỉ dưỡng. Hiện nay, cơ sở vật chất và hạ tầng không nhiều, nhưng với vị trí thuộc xã Phước Hòa thì vẫn đảm bảo phục vụ nhu cầu du khách.
< Một làng nhỏ ven đường nhưng nhìn quanh quất không thấy ai, có lẽ người ta lên rẫy hết rồi.

< Đường vẫn vắng, vòng vo nhưng xã Phước Hiệp vẫn còn xa phía trước.

< Nắng bắt đầu vượt qua những đám mây, những ngọn núi... và chan hòa xuống mặt đất, hết cảnh âm u. Bấy giờ đã là 8h10.

Đường vẫn còn xa, xa lắm mới đến Eo Gió...

Còn tiếp

Điền Gia Dũng - By EmVân Pcworld-com.blogspot.com

Phần 1 - Phần 2 - Phần 3 - Phần 4 - Phần 5 - Phần 6 - Phần 7 - Phần 8 - Phần 9 - Phần 10 - Phần 11 - Phần 12 - Phần 13 - Phần 14 - Phần 15 - Phần 16 - Phần 17 - Phần 18 - Phần 19 - Phần 20 - Phần 21 - Phần cuối
Xem thêm bài viết cùng chuyên mục: , , ,

Ý kiến bạn đọc [ 0 ]


Ý kiến của bạn