Từ ngàn xưa đạo Phật đã tuyên dương Thiền, Thiền có thể thay đổi Tâm con người, và trong mục đích đó đạo Phật đã phát triển nhiều cách hành Thiền. Thực hành Thiền đều đặn sẽ giúp sự chú ý tinh tế hơn và có thể chuyển hóa cảm xúc. Về Khí Công Tâm Pháp, nhiều người thực hành đều đặn cũng tuyên dương khí công có thể ngăn ngừa và chữa trị nhiều bệnh tật rất thần diệu. Kết quả là ăn ngủ điều hòa, thần sắc tươi tỉnh, thân thể cường dũng, tâm tư thư thới, nhẹ nhàng và tràn đầy an lạc.
Nhưng lấy gì chứng minh sự kết hợp hành Thiền và Khí Công có thể giúp người ta sống khỏe, sống vui? Với tiến bộ khoa học, những cuộc nghiên cứu và điện não đồ ghi nhận được đã chứng minh một cách cụ thể Thiền đưa tới nhiều thay đổi ở những vùng cảm xúc trong não bộ và Khí Công Tâm Pháp giúp phát triển các cơ cấu và vùng nhận thức trong não bộ.
Trước hết nói về Thiền. Thiền đã được thực hành hằng ngàn năm tại nhiều nước Á Đông, nhằm mục đích để đem đến sự an lạc. Thiền trong Phật Giáo thường nhắm đem lại sự an lạc và giác ngộ. Các cuộc nghiên cứu khoa học mới đây ghi nhận được bằng điện não đồ cho thấy Thiền có thể thay đổi hoạt động trong vỏ não (chất xám), vùng cảm xúc. Bộ óc bẩm sinh có thể được thay đổi nếu được kích thích, được hoạt động trong một môi trường phong phú. Ngày nay Thiền được phổ biến rộng rãi ở Tây Phương trong các thiền viện hay trong các trung tâm phát triển sức khỏe .
Nhiều thiền sư tin rằng, năng lực mà chúng ta có được bằng sự yên lặng có thể dùng để khai triển sự tỉnh thức và chánh niệm (ý thức những gì đang xảy ra trong giờ phút hiện tại). Sự lặng thinh trong ngôn ngữ sẽ dẫn đến sự lặng thinh trong tâm hồn, cùng với sự lặng thinh không hoạt động, sẽ đưa đến sự thay đổi về tâm lý, vật lý vô cùng rõ rệt trong ta.
Từ lúc chúng ta mở mắt ra buổi sáng đến khi nhắm mắt ngủ buổi tối, lúc nào đầu óc mình cũng suy nghỉ, hoạt động, giống như cái máy làm việc suốt ngày. Nếu chúng ta tắt, máy sẽ nguội bớt. Nếu chúng ta tập Thiền, dừng suy nghỉ một thời gian, thì sau đó trí tuệ sáng suốt sẽ phát sinh. Nếu ánh sáng được giữ trong một phạm vi nhỏ của cái chụp đèn thì ánh sáng sẽ mạnh hơn ánh sáng chiếu tỏa khắp căn phòng. Cũng vậy nếu tâm ta, được tập trung sẽ trở nên vô cùng mãnh liệt, như các nhà thôi miên có thể sai khiến người khác làm theo ý mình, hoặc đổi dời một vật từ chỗ này sang chỗ khác. Người bình thường bị cảm xúc dẫn dắt, đôi khi nóng nảy hành động sai lầm, người tu Thiền giỏi có thể điều khiển trí óc họ và trầm tĩnh, nhờ đó có hành động sáng suốt hơn , tránh được nhiều đáng tiếc xảy ra.
Thiền có hai loại : Thiền Tĩnh Lặng và Thiền Hoạt Động.
Thiền Tĩnh Lặng: là ngồi yên một chỗ, chú ý vào một chỗ như hơi thở vào, hơi thở ra hay chú ý về cảm giác vui sướng hay đau khổ đang xảy ra trong tâm hay đối tượng gì đang nghe thấy . Ngày nay tại Hoa Kỳ và các nước Tây Phương người ta thực hành thiền giản dị như chú tâm vào hơi thở vào hơi thở ra cùng nhận biết cảm giác xuất hiện, gọi là Thiền quán.
Ngoài Thiền quán còn có Thiền Chỉ không chú tâm vào một đối tượng nào cả mà chỉ để tâm trở về với trạng thái buông xả, mở rộng tự nhiên , thấy biết mọi thứ mà không chú tâm vào thứ gì cả.
Thiền Hoạt Động: là chú tâm trong lúc hoạt động, như thiền hành là thiền trong lúc đi bộ, hoặc chú tâm vào những động tác chân tay, phối hợp nhịp nhàng với hơi thở, như trong Thái Cực Quyền hay Khí Công. Nhiều bác sĩ hay nhân viên chăm sóc sức khỏe khuyến khích những bệnh nhân có các vấn đề khó khăn về thể chất hay tâm thần nên thực hành Thiền để chữa trị các chứng bệnh như đau nhức thân thể, tay chân, các chứng lo âu, trầm cảm hay bị căng thẳng tinh thần, bị cao huyết áp ..
Nhiều khoa học gia Tây Phương và nhiều Thiền Sư thượng thặng của Tây Tạng đã gặp nhau mỗi hai năm một lần ở Dharamsala ở Ấn Độ, để nghiên cứu những hoạt động trong não bộ của những Thiền Sư Tây Tạng và những người thực hành Thiền tại Hoa Kỳ. Họ đã đi đến kết luận là Thiền giúp cho các vùng liên hệ đến cảm xúc an vui, cảm thông, tình thương ở vỏ não phía trán bên trái gia tăng và giảm thiểu các cảm xúc tiêu cực như buồn rầu, giận hờn, lo âu ở vỏ não phía trán bên phải .
Thiền cũng giúp hệ thống miễn nhiễm gia tăng hoạt động và kháng thể chống bệnh gia tăng lên đến 50% . Bác sĩ Antonio Damasio thuộc Viện Đại Học Iowa nghiên cứu về não bộ và nhận thức cho biết Thiền cũng như những hoạt động như đánh đàn, tập luyện, vận động thể lực giúp cho bộ não thay đổi cấu trúc và gia tăng khả năng nhận thức.
Giáo sư Richard Davidson thuộc viện Đại Học Wisconsine đã mời các Thiền Sư thuộc Tông phái Tây Tạng đã thiền trên 10,000 giờ để nghiên cứu những gì xảy ra trong não bộ khi những vị này thiền từ bi quán . Qua những những điện não đồ , người ta thấy trong não bộ của những vị Thiền sư Tây Tạng, những làn sóng não bộ GAMMA gia tăng, biểu lộ trạng thái hòa hợp tốt đẹp rất cao khi thiền Từ Bi Quán. Kết quả này rất quan trọng chưa hề được trình bày trong các tài liệu y khoa, điều này có thể đem lại nhiều lợi ích trong sự huấn luyện phát triển về nhận thức.
Năm 2005 các nhà nghiên cứu Viện Đại Học Yale, Harvard, M.I.T. cũng cho biết Thiền làm gia tăng độ dày của vỏ não (chất xám) nơi vùng của cảm giác nhận thức và tiến trình cảm xúc. Đây là điều rất đặc biệt vì người lớn tuổi thì vỏ não sẽ mỏng dần đi, do đó thực hành Thiền có thể làm cho vỏ não không những bớt bị mỏng đi khi lớn tuổi mà còn giúp gia tăng độ dày. Những loại Thiền thuộc các tông phái khác hay Yoga , Tai Chi hay Thái Cực Quyền , vận động thể lực.. đều đưa đến kết quả giúp tăng độ dày của chất xám, vỏ não.
ÂM NHẠC VÀ NÃO BỘ
Bác sĩ Daniel G. Amen là một chuyên gia thần kinh học nổi tiếng tại HK trong cuốn "Làm Cho Bộ Não Tốt Đẹp Hơn" đã nói lên giá trị của âm nhạc, Thiền và đời sống tâm linh. Ông nhấn mạnh, ca hát làm cho bộ não tốt hơn. Một người đang ca hát là một người đang bày tỏ niềm vui, cảm xúc sẽ thay đổi theo tiếng hát, làm tăng sự hạnh phúc và trí nhớ, giúp cho tinh thần thoải mái, gia tăng sức khỏe, đời sống tươi trẻ hơn.
Ông Don Campbell, người sáng lập Viện Âm Nhạc, Sức Khỏe và Giáo Dục cho biết chỉ cần phát ra âm thanh theo điệu nhạc năm phút một ngày sẽ rất tốt cho sức khỏe. Nếu hát với sự chú tâm vào lời hát sẽ làm cho não bộ linh hoạt, sống động hơn, cùng với khả năng an trú trong giờ phút hiện tại. Điều này rất phù hợp với những lời tụng kinh có nhiều âm điệu của Chư Tăng Tây Tạng, đã giúp gia tăng trạng thái buông thư, tạo nguồn an vui sâu thẳm, kỳ diệu nơi Tâm.
Thiền hay yoga hay bất cứ một phương pháp nào mà ngồi yên một chổ nhiều quá thì cũng không tốt vì cơ thể sẽ yếu dần đi, vì vậy cần vận động thể lực để đem nhiều dưỡng khí vào cơ thể là việc cần thiết giúp ta được khỏe mạnh về thể chất, phát triển trí nhớ, quyết định đúng và an vui tinh thần.
Khí công là phương pháp hít thở đúng cách, thở sâu để đem nhiều dưỡng khí vào cơ thể . Phổi cấu tạo bởi nhiều phế nang, bình thường chúng ta thở nhẹ, chỉ dùng một phần nhỏ dung tích của phế nang, ca sĩ hay những lực sĩ tập luyện nhiều, thở sâu, đem vào phổi nhiều không khí, hơi dài và mạnh.
Khí Công Tâm Pháp là phối hợp của Thiền Tĩnh Lặng và Thiền Hoạt Động, tức là chú tâm vào các động tác và hơi thở khi tập luyện , đưa đến kết quả tốt đẹp hơn bội phần, kết hợp giữa Thiền và Khí công đưa tới sự an vui kỳ diệu. Nói đến chữ " kỳ diệu" là nói đến niềm hạnh phúc sâu thẳm, linh động và tích cực nơi Tâm và não bộ.
Khí Công Thiếu Lâm và các Tư Thế Yoga giúp tăng sức mạnh và sự dẻo dai của các bắp thịt, gân, xương cùng sự kết hợp các chức năng hoạt động trong cơ thể. Dưỡng Sinh Tâm Pháp là các thế giúp vận động chân tay hòa hợp cùng với tiếng nhạc niệm trầm bổng đưa tới sự hòa điệu Thân Tâm Nhất Như, đem tới niềm an vui sâu thẳm và bình lặng.
Tâm và bộ não là hai thứ bất khả phân, muốn có an vui, thương yêu, hạnh phúc thì phải có một bộ não tốt. Bác sĩ Daniel G Amen khuyên, để có một bộ não tốt và sống vui, hạnh phúc chúng ta nên thực hành Thiền, tập Khí Công hay Yoga vận động thể lực hằng ngày, ngủ đầy đủ, chống lão hóa qua dinh dưỡng , sinh tố, vận động não, nghe hay chơi nhạc và quan tâm đời sống tâm linh ..
Tóm lại muốn phát triển khả năng nhận thức, giải trừ căng thẳng, thoải mái trong hoàn cảnh khó khăn, gia tăng sức khỏe, đi sâu vào hạnh phúc "kỳ diệu" thì nên thực hành Thiền và tập luyện Khí Công & Yoga.
Nguồn: binhhoa-ninhhoa.org
Ý kiến bạn đọc [ 0 ]
Ý kiến của bạn