Tố chất của dân du lịch bụi

Thứ Sáu, 9 tháng 3, 2012
Mình nghe nhiều bạn nói với mình những thứ như "ôi ước gì tao có thể đi được giống như mày, một tháng thôi cũng được". Mình cũng trả lời lại là "mày muốn sao mày không đi đi, ước ao gì vậy". Thì các bạn ý bảo là các bạn ý không có tiền. Thật ra tiền không phải là vấn đề, vấn đề ở đây là bạn không thể giải thoát mình ra khỏi sự ràng buộc của cuộc sống hàng ngày, hay nói một cách triết lý hơn là "gông cùm của chủ nghĩa tiêu thụ". Gần 1 tháng ở Trung Đông, mình chỉ tiêu số tiền chưa bằng 2/3 số tiền bạn bỏ ra để mua một cái iPhone. Vậy đâu là bí quyết ? Đi du lịch bụi thì muôn hình muôn vẻ lắm, mỗi người có một kiểu của riêng mình. Tôi xin đề ra tạm thời 9 điểm cơ bản mà một phượt tử cần có. Tất nhiên không nhất thiết phải sở hữu tất cả các tố chất này nhưng có càng nhiều càng tốt

1.Nghỉ đêm đơn giản
Tôi luôn nghỉ đêm ở dorm tại hostel. Đây là phòng ngủ tập thể, nhiều giường dành cho khách du lịch ba lô. Thông thường, phòng có phân biệt nam nữ riêng nhưng trong một số quốc gia trên thế giới phải ngủ lẫn lộn. Tất nhiên, nghỉ đêm ở đây cũng có cái giá phải trả và phải chấp nhận được nó. Ngủ phòng tập thể thường xuyên có những điều khiến bạn khó ngủ : muỗi, không điều hòa mùa hè, tiếng ồn từ các bạn cùng phòng…

2.Ăn bụi
Không nên ăn nhà hàng sang trọng. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là lúc nào cũng chỉ  khăng khăng ăn đồ Việt hay đồ Châu Á. Để có khả năng ăn bụi tốt, bản thân bạn cũng phải là người phàm ăn, không e ngại bất cứ bất đồng về ẩm thực nào. Ngoài ra, nếu như mức sống ở quốc gia đặt chân đến không quá cao, chẳng việc gì cứ phải lúc nào cũng vào siêu thị mua bánh mì kẹp thịt, mình hoàn toàn có thể thưởng thức các món ăn địa phương với giá cả phải chăng.

3. Khả năng thích nghi và xử lý những tình huống không lường trước
Đi du lịch bụi thường đồng nghĩa với việc đi mà không có plan nào trước và tất nhiên sẽ xảy ra những điều bạn không lường trước, một chút « mạo hiểm » nào đó. Thực ra bạn cũng nên cẩn thận, nhưng chả có gì nguy hiểm cả đâu. Nếu bạn không biết cách làm chủ được tình huống thì bạn sẽ gặp nguy hiểm ngay cả khi bạn đang nằm ngủ trên ghế sofa ở nhà. Trước khi đi Syria, mình cũng hơi lo lắng vì đây dù sao cũng là một quốc gia Hồi giáo mà nhiều người cũng hay gán cho vùng Trung Đông cái biệt hiệu « vùng đất của khủng bổ đạo Hồi ». Nhưng sau 10 ngày ở đó, mình thấy rằng trí tưởng tượng của mọi người khá là phong phú. Syria cực kỳ an toàn và thanh bình và mình nghĩ những đất nước khác cũng thế. Tất nhiên mình không nói đến đất nước Syria của nhưng khủng hoảng chính trị trong thời gian gần đây. Đó thực sự là một giai đoạn có một không hai trong lịch sử nước này vì trong gần một thế kỷ trước đó, ở đây chưa bao giờ có xung đột chiến tranh. Nếu bạn biết mình đang làm gì, biết cách đối xử với mọi người chung quanh một cách hợp lý, và chịu khó để mắt đến tài sản mà mình mang theo thì sẽ chả có gì xảy ra cả.

4.Khả năng xã giao tốt
Nên tỏ ra cởi mở và giao lưu với nhiều đối tượng khác nhau , không nên chỉ giới hạn vào những dân bụi cùng văn hóa hoặc cùng quốc tịch (cùng quê hương Việt Nam thì hơi khó vì chẳng có mấy mống). Đừng giới hạn một loại đối tượng, hãy chơi tuốt : nông dân, kẻ vô gia cư, quan chức hải quan, khách du lịch, dân bụi, sinh viến, tài xế taxi, người bán hàng…Những cuộc nói chuyện với họ giúp bạn học hỏi được nhiều điều và đôi khi họ còn cho bạn những lời khuyên hữu ích cho chuyến đi của bạn

Việc tiếp xúc với những khách du lịch khác cũng hay hớm không kém. Dù sao thì họ cũng đến từ một nền văn hóa khác. Sẽ thật là thú vị nếu một buổi sáng sớm, bạn đi dạo bên bờ sông Bosphore ở Istanbul, bạn bắt gặp một ông người Pháp, và ông ấy giảng cho bạn nghe về môn khí công Trung Quốc. Còn việc tiếp xúc với người địa phương thì sẽ đến rất thoải mái, tự nhiên, phong phú và đa dạng nếu bạn thực hiện 3 điều trên, tức là sinh hoạt với tiêu chuẩn của người địa phương, không chuẩn bị kỹ, và không sợ nguy hiểm. :)

5.Nên chuẩn bị thật kỹ trước khi đi.
Bạn nên chuẩn bị, nhưng không nên kỹ. Tức là, bạn nên đứng trên ranh giới giữa biết và không biết. Bạn chỉ nên nắm thông tin về khí hậu, những nét văn hóa nổi bật của địa phương, và chi phí sinh hoạt ở đó. Đừng chuẩn bị quá kỹ, đừng lên lịch rõ ràng cho cả chuyến đi. Bạn không nên biết ngày mai bạn sẽ làm gì trừ khi bạn đang ở ngày hôm nay. Sai lầm lớn nhất là đặt trước vé tàu xe và book trước khách sạn trước khi đi. Bởi làm vậy sẽ biến chuyến đi của bạn thành một chuyến nghỉ mát không hơn không kém. Có lần mình đến Sibiu (Rumani) vào nửa đêm, cả thị trấn đóng cửa tắt đèn đi ngủ, tìm mãi không có khách sạn nào chịu mở cửa cho mình. Lúc đó một ông giáo viên dạy môn Hóa Học ở một trường cấp hai trong thị trấn, người mà mình gặp trên chuyến xe bus, đã cho mình ngủ nhờ, và sáng hôm sau còn nấu bữa sáng cho mình. Đó là một trải nghiệm cực kỳ lý thú. Cho nên hãy đi một cách thoải mái, tự do, để cho số phận dẫn dắt. Giống như Tyler Durden đã nói: "you're trying too much to control, just let go".

7. Hành lý đơn giản
Nếu chỉ là những cuộc đi ngắn ngày từ 3 ngày trở xuống, tôi chỉ mang theo hành lý xách tay. Các hãng hàng không giá rẻ hay bắt trả thêm tiền hành lý ký gửi và nhiều khi rất đắt (tầm 15usd), thế nên tốt nhất là chỉ mang hành lý xách tay. Có nhiều thứ hoàn toàn mua được tại siêu thị địa phương như dầu gội đầu, kem đánh răng.

8. Phải có vốn tiếng Anh khá tốt. Nếu biết thêm 1, 2 thứ tiếng nữa thì càng tốt. Và trước khi đi, bao giờ cũng học thuộc lòng một số câu cơ bản của tiếng địa phương, đại loại như « xin chào » « cảm ơn ». Việc một người ngoại quốc cố gắng nói vài câu như vậy luôn gây thiện cảm cho người địa phương vì mình chỉ cho họ thấy rằng mình tò mò muốn tìm hiểu đất nước của họ.
Xem thêm bài viết cùng chuyên mục:

Ý kiến bạn đọc [ 0 ]


Ý kiến của bạn