Stress có thể ví như một dây xích gồm một chuỗi những ý niệm tiêu cực, như những móc xích đan xen nhau, liên tục vây kín, phong toả lấy tâm thức con người. Chỉ cần chặt đứt một mắt xích là có thể vô hiệu hoá được cả dây xích để giải phóng cơ thể khỏi sự ràng buộc của những tâm lý tiêu cực.
Từ đầu thế kỷ XIX, nhiều nhà khoa học phương Tây đã bắt đầu nghiên cứu về bản chất của khí và khí hoá mà y học phương Đông đã từng đề cập. Hiểu rõ được bản chất và đặc điểm của khí có thể giúp chúng ta điều chỉnh hành vi và sinh hoạt để giữ gìn sức khoẻ và gia tăng chất lượng cuộc sống.
Khí là gì?
Những nhà khí công cổ đại quan niệm rằng trong không gian bao la của vũ trụ luôn tồn tại một dạng năng lượng vi tế, là nguồn gốc của sự sống. Tuỳ theo mỗi nền văn hoá mà loại năng lượng này được gọi những tên gọi khác nhau như khí, thiên khí hoặc địa khí (Trung Hoa), Prana (Ấn độ) hoặc Ki hay Hado (Nhật). Những nghiên cứu của khoa học phương Tây cũng cho thấy thế giới chất rắn cụ thể mà chúng ta nhìn thấy được bao quanh và thấm đẫm bởi một loại năng lượng tựa như chất lỏng luôn bức xạ và chuyển động không ngừng. Hai tiến sĩ John White và Stanley Kripper mô tả trường năng lượng này thấm nhuần và liên kết mọi vật lại với nhau, chúng chuyển động tựa như một chất lỏng chảy từ vật nọ sang vật kia. Loại năng lượng này chính là một yếu tố quan trọng tạo nên sự đồng nhất của mọi sự vật, thường được gọi là Thiên nhân hợp nhất hay Thiên địa vạn vật đồng nhất thể. Khí công hay các công phu dưỡng sinh có thể xem như là những phương pháp tập luyện nhằm giúp con người vận dụng và phát huy tính hợp nhất này vào mục đích trị bệnh hoặc tăng cường sức khoẻ. Trong cơ thể con người, phần khí thường được gọi là chân khí hoặc nội khí. Nội khí là một dạng vật chất tinh vi lưu hành khắp phủ tạng, kinh lạc, để duy trì hoạt động sống của cơ thể con người. Nội khí được tạo thành bởi ba thành phần cơ bản. Khí tiên thiên được hấp thu từ tinh huyết của cha mẹ từ lúc sinh ra. Khí hậu thiên do Tỳ Vị chuyển hoá từ thức ăn thức uống hàng ngày. Thành phần còn lại là thiên khí hoặc địa khí do cơ thể hấp thu từ vũ trụ bên ngoài. Như vậy, trong khi chúng ta không thể thay đổi được khí tiên thiên thì ngược lại có thể cải thiện điều kiện sinh hoạt, ăn uống để bồi dưỡng khí hậu thiên, và thông qua tập luyện dưỡng sinh để tăng cường hấp thu thiên, địa khí cho yêu cầu dưỡng sinh ích thọ.
Tương quan giữa khí hoá và vật chất
Khí hoá là một hiện tượng xuyên suốt trong mọi hoạt động sống của con người. Giống như nước có thể đông lại thành đá, cũng có thể bay lên thành hơi nước, y học phương Đông quan niệm năng lượng và vật chất, phần khí và phần hình vốn dĩ chỉ là hai dạng khác nhau của cùng một thể. Tụ lại thành hình, tán ra hoá khí. Những nghiên cứu vật lý cũng cho thấy vật chất tồn tại có hai hình thức. Một loại là thực thể do những hạt cơ bản cấu tạo nên. Loại kia ở trạng thái trường mà cơ quan cảm giác của con người thường không thể nhận biết được. Hình và trường không tách rời nhau và trong những điều kiện nhất định có thể chuyển hoá lẫn nhau. Trong cơ thể con người, do sự chuyển hoá giữa hai yếu tố nên những uất khí ngưng kết lâu ngày có thể tạo thành ung nhọt. Ngược lại, tác động khí hoá của khí công hoặc ý niệm có thể làm tan chỗ kết tụ, tán sỏi hoặc tiêu u xơ. Đối với cơ chế sinh bệnh, những rối loạn về cảm xúc hoặc những khắc nghiệt của môi trường có thể tác động đến phần khí làm rối loạn hoạt động chức năng của các cơ quan. Qua thời gian, nếu sức đề kháng kém hoặc điều kiện sinh hoạt không được cải thiện thì rối loạn khí hoá ban đầu sẽ dẫn đến những tổn thương thực thể và gây ra những bệnh tật nghiêm trọng hơn. Ngược lại, ở một người có sức khoẻ tốt, có khả năng điều hoà cảm xúc hoặc thường luyện tập dưỡng sinh để nâng cao ngưỡng chịu đựng của cơ thể thì người này sẽ dễ dàng hoá giải những bất lợi của môi trường để giữ gìn sức khoẻ.
Sự tương tác giữa những trường năng lượng con người
Từ thế kỷ XII, hai nhà thông thái Boirac và Liebeault đã cho rằng trong cơ thể con người tiềm tàng một loại năng lượng có thể gây tương tác từ xa. Có người chỉ cần sự có mặt của họ cũng có thể gây ảnh hưởng khoẻ mạnh hoặc không đối với người khác. Đến đầu thế kỷ XIX, Von Reichenbach đã trải qua gần 30 năm để nghiên cứu về loại năng lượng liên quan đến con người. Các thí nghiệm của ông cho thấy năng lượng con người vừa có tính hạt giống như chất lỏng, vừa có tính sóng giống như ánh sáng. Nó có tần số ở khoảng giữa vùng màu đỏ và máu tím xanh của dãy quang phổ. Ông cũng mô tả được tính phân cực của loại năng lượng trong cơ thể người giống như nguyên lý âm dương được đề cập trong y học phương Đông. Năm 1911, tiến sĩ William Kilner đã mô tả kỹ hơn về diện mạo của loại trường khí xuyên suốt và bao quanh cơ thể con người. Đó là một màng sương mờ gồm ba lớp. Lớp trong cùng màu sẩm hơn hai lớp kia, ở sát mặt da, dày khoảng ¼ inch. Lớp giữa giống như khí hơi nước, dầy khoảng 1 inch. Lớp ngoài cùng có màu sáng nhạt hơn, có đường bao quanh không rõ rệt, vượt ra khỏi lớp trong khoảng 6 inch. Tiến sĩ Victor Inyushin thuộc trường Đại học Kazakh ở Nga đã tiến hành nghiên cứu về trường năng lượng này từ những năm 1950.
Ông cho biết trường này gồm những ion, proton và các electron tự do. Một phần của đám mây năng lượng này bức xạ ra bên ngoài, chuyển dịch trong không khí và có thể ảnh hưởng đến các sinh thể chung quanh. Trên thực tế, nền văn hoá cổ phương Đông đã nói đến những vòng hào quang bao quanh cơ thể con người từ hàng ngàn năm về trước. Ngành khí công cũng đã có truyền thống chữa bệnh không tiếp xúc thông qua tương tác khí hoá từ xa. Một trong những nguyên tắc chữa bệnh bằng khí công là sự hoà hợp giữa người chữa và người bệnh. Người chữa sẽ dùng năng lực của tư tưởng để tạo nên sự hợp nhất giữa trường khí năng lượng của mình và trường khí của người bệnh. Trong quá trình này, trường khí cân bằng và ổn định của người chữa sẽ tác động điều chỉnh trường khí rối loạn và mất cân bằng của người bệnh. Hiệu quả chữa bệnh và liệu trình dài hay ngắn sẽ tuỳ thuộc vào mức độ nặng nhẹ của bệnh và năng lực khí công của người thầy.
Những thầy thuốc Đông y thực hành châm cứu, bấm huyệt cũng hiểu rằng chân khí sung mãn của thầy thuốc sẽ tác động rất hửu ích cho công tác điều trị bệnh nhân. Ngược lại, người thầy cũng dễ bị trược khí, tức khí bệnh từ người bệnh truyền sang. Trong cuộc sống, đôi khi chúng ta có cảm giác khó chịu, mệt mỏi, ê ẩm hoặc thậm chí đau tức ở đâu đó trong cơ thể sau khi đi viếng đám tang hoặc tiếp xúc lâu với một người, nhất là những người bệnh nặng. Điều này có thể là do tương tác sinh học giữa các trường khí gây ra. Đối với người có sức đề kháng tốt, sự khó chịu sẽ tự biến mất sau vài khắc hoặc vài giờ rời khỏi hiện trường. Một vài trường hợp nặng hơn, dân gian có cách hoá giải bằng cách “xông hơi giải cảm” để đuổi trược khí ra khỏi cơ thể qua đường mồ hôi. Quy luật về tương tác sinh học cũng thể hiện trong nhiều mặt khác nhau của cuộc sống. Một người, nhất là những người có ý chí mạnh, có thể tạo ra những ảnh hưởng tâm lý trên những người chung quanh. Sự buồn bả, ủ rủ có thể kéo theo sự bi lụy của những người bên cạnh. Sự tức giận có thể kích động người khác tức giận theo. Hiệu ứng đám đông không chỉ là hiệu ứng tâm lý mà còn là do tính tương tác và sự cộng hưởng của những trường khí sinh học. Điều này có thể giải thích tại sao trường khí hiền hoà của một thiền sư có thể nhiếp phục một con hổ dữ hoặc tại sao một số người cảm thấy an tịnh hoặc ngồi thiền, vận khí dễ dàng khi ở bên cạnh người thầy hoặc khi cùng tập với một tập thể.
Tương tác giữa ý niệm, cảm xúc và hoạt động khí hoá
Từ trên 4000 năm trước, y học phương Đông đã biết được những tác động xấu của những cảm xúc thái quá đối với sức khoẻ con người. Nội kinh ghi “trăm bệnh đều do nơi khí sinh ra”. Chẳng hạn, giận quá có thể làm khí thăng lên, buồn quá có thể làm khí tiêu đi, suy nghĩ quá có thể làm khí kết lại. Những cảm xúc thái quá sẽ làm rối loạn khí hoá những tạng phủ có liên quan và qua mối quan hệ sinh khắc có thể làm mất cân bằng của toàn hệ thống và gây bệnh. Những nghiên cứu về hệ quả Stress của khoa học ngày nay cũng cho thấy những căng thẳng tâm lý hoặc những cảm xúc nội tâm bị dồn nén lâu ngày sẽ làm rối loạn hoạt động của hệ giao cảm, làm tăng tiết các nội tiết tố Stress, suy giảm hệ miễn dịch, nên có thể gây ra rất nhiều bệnh tật khác nhau. Tâm bình khí hoà và những ý niệm tích cực, lạc quan sẽ mang lại sức khoẻ. Ngược lại, những thán oán, sầu khổ hoặc những tư tưởng bi quan tiêu cực sẽ dẩn đến bệnh tật.
Tiến sĩ Daniel Mroczek và các cộng sự thuộc trường Đại học Indiana, Hoa kỳđã thực hiện một công trình nghiên cứu về ảnh hưởng của những rối loạn cảm xúc lên sức khoẻ và tuổi thọ của con người. Cuộc thí nghiệm được tiến hành trên 1.600 người tình nguyện. Với các thử nghiệm tiêu chuẩn, những người nầy đã được theo dỏi, đánh giá tình trạng cảm xúc và diển biến về sức khoẻ trong suốt 18 năm. Kết quả cho thấy những người hay bị stress, dễ lo sợ, cáu gắt thường có nguy cơ tử vong sớm do bệnh ung thư hoặc tim mạch. Nói đến Stress, nhiều người thường nghĩ đến những biến cố lớn gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý con người như thi hỏng, thất nghiệp, bệnh tật hoặc người thân qua đời. Tuy nhiên không cứ gì những sự cố gây sốc hoặc những tình huống trái lòng nghịch ý, chỉ cần quá bươn chải theo cơn lốc của cuộc sống, nhịp sống quá nhanh hoặc lịch làm việc quá dầy đặc cũng có thể làm cho hệ thần kinh căng thẳng, quá tải và suy nhược. Để tránh hệ quả này, các chuyên gia tâm lý thường khuyên chúng ta nên sắp xếp công việc hợp lý, phải biết “tri túc thiểu dục” (ít muốn biết đủ), bằng lòng và hoà hợp với cuộc sống. Tuy nhiên những điều này dường như không dễ làm được trong một xã hội cạnh tranh, nhiều cám dổ và luôn bị chi phối bởi nhiều mối quan hệ như hiện nay. Do đó, điều quan trọng hơn là phải biết tự tạo cho mình những giây phút tĩnh thức ngay trong cuộc sống hiện tại, sao cho vẫn sống trong dòng chảy bất tận của những ý niệm lăng xăng hàng ngày mà vẫn không bị nó đồng hoá hoặc làm ô nhiễm. Tĩnh thức và thư giãn không nhất thiết phải cần đến những bài quyền, điệu vũ đẹp mắt, những động tác yoga điêu luyện, cầu kỳ hoặc hàng giờ đồng hồ nhập tĩnh của những vị thiền sư. Stress có thể ví như một dây xích gồm một chuỗi những ý niệm tiêu cực, như những móc xích đan xen nhau liên tục, vây kín, phong toả lấy tâm thức con người. Chỉ cần chặt đứt một mắt xích là có thể vô hiệu hoá được cả dây xích để giải phóng cơ thể khỏi sự ràng buộc của những tâm lý tiêu cực. Do đó, những giấc ngủ trưa* ngắn khoảng 15 phút, một vài động tác căng giãn tối đa của yoga, một thời thiền ngắn khoảng 10 phút mỗi ngày… đều có thể giúp giải toả căng thẳng tâm lý hoặc ngăn chặn sự liên kết của những cảm xúc tiêu cực.
Để chặt đứt những mắt xích tiêu cực, có thể không phải chờ đến buổi tối hoặc đến cuối tuần, cũng không chiếm dụng bất cứ thời gian hoặc không gian riêng biệt nào, mỗi người có thể tạo nên tập quán tĩnh thức bằng cách thỉnh thoảng chỉ cần hướng sự chú ý của tâm thức vào một vài hơi thở của bản thân. Hít vào đến bụng dưới, thở ra chậm trong khi từ từ buông lỏng toàn thân, chú trọng buông lỏng phần vai, hai cánh tay. Chỉ cần một hay vài hơi thở mỗi lần. Có thể thở ở bất cứ nơi đâu, hầu như ở bất kỳ tư thế nào, ngay cả lúc đang làm việc. Thở sâu đến bụng dưới có tác dụng sinh khí tại Đan điền và tăng cường nội khí. Thư giãn cơ bắp sẽ thư giãn được thần kinh. Chú tâm vào hơi thở sẽ làm gián đoạn những cảm xúc âm tính; thì thở ra dài có thể tăng cường ức chế giao cảm. Do đó, thỉnh thoảng chú tâm vào một vài hơi thở là một phương pháp đơn giản nhưng đã vận dụng đồng bộ được nhiều cơ chế để điều hoà thần kinh giao cảm, giúp kiểm soát cảm xúc, giải toả stress và phục hồi sinh lực. Đối với những trường hợp bệnh mãn tính, cách thở này có tác dụng tăng cường chính khí, và thông qua sự tự điểu chỉnh của hệ thần kinh trung ương, hoạt động khí hoá cũng như các hoạt động nội tiết, nội tạng sẽ dần dần được phục hồi để cơ thể vươn lên đẩy lùi bệnh tật.
Ăn uống và sức khoẻ
Bên cạnh việc tập luyện dưỡng sinh, chế độ ăn uống có ảnh hưởng rất lớn đên sức khoẻ và điều kiện tinh thần của con người. Ăn uống là nguồn cung cấp khí hậu thiên cho cơ thể nhưng ăn uống không khéo lại cũng là một nguyên nhân gây bệnh. Giáo sư Oshawa (1893-1965) là một người Nhật đã có công đề xướng và truyền bá Macrobiotocs, một phương pháp chữa bệnh dưỡng sinh bằng cách ăn uống ngủ cốc thô và các loại rau, quả, củ không có sự hổ trợ của hoá chất. Ông cho rằng thức ăn thức uống không chỉ nuôi sống thể xác mà qua sự lựa chọn những loại thực phẩm có năng lượng Âm hoặc Dương thích hợp có thể phát triển tinh thần và cải thiện hành vi, tâm lý của con người. Ngày nay, nhiều nghiên cứu khoa học khác nhau cũng cho thấy giá trị trị liệu quan trọng của các loại thực dưỡng. Chẳng hạn ăn nhiều các loại cá, dầu cá có nhiều acid béo omega 3 có thể giúp chữa các chứng trầm cảm và ngăn ngừa các bệnh lý về tim mạch như đau ngực, đột quỵ; ăn nhiều các loại ngủ cốc thô và rau quả có thể cung cấp nhiều sinh tố và vi chất là những chất chống oxy hoá có thể cải thiện tim mạch và tăng cường hệ miển dịch để phòng chống nhiều loại bệnh tật khác nhau.
Nói chung, sức khoẻ và tuổi thọ là kết quả tổng hợp của nhiều yếu tố. Yếu tố nầy có thể làm nhẹ đi sự cần thiết của một yếu tố khác nhưng không hẳn có thể thay thể lẫn nhau. Thuốc men, vận động thân thể, thư giãn, khí công đều rất hửu ích nhưng không thể xem thường yếu tố ăn uống, nhất là trong điều kiện hiện nay khi phần lớn thực phẩm là thực phẩm công nghiệp. Thực phẩm công nghiệp không chỉ tiềm tàng nhiều hoá chất độc hại mà còn thiếu chất xơ và nhiều vi chất cần thiết khác chỉ tìm thấy trong rau quả tự nhiên và trong lớp ngoài của ngủ cốc, đậu và các loại hạt có vỏ cứng.
* Kết quả của một nghiên cứu do sự phối hợp giữa trường Đại học Y khoa Hy lạp và Đại học Y Harvard kéo dài 6 năm tại Hy Lạp trên 23.681 người từ 20 đến 86 tuổi cho thấy: những người ngủ trưa khoảng 30 phút mỗi ngày, ít nhất 3 lần mỗi tuần, có tỉ lệ tử vong do bệnh tim thấp hơn 37% so với những đối tượng không ngủ trưa. Các nhà nghiên cứu Androniki Noska và Dimitrios Trichopoulos còn cho biết thêm tại các nước có số ca tử vong thấp, thói quen ngủ trưa là khá phổ biến. Những nhà khoa học này cho rằng ngủ trưa giúp thư giãn, giảm stress do đó giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Mới đây theo tin từ báo Telegraph, ngành dịch vụ công ở Đức đang phát động chương trình khuyến khích công chức nên ngủ trưa. Các giới chức ở Đức tin rằng sau giấc ngủ trưa công chức có khả năng tập trung và làm việc hiệu quả hơn. Các nhà khoa học thuộc trường Đại học Kentucky còn đưa ra một giải pháp tích cực. Mỗi người nên bỏ ra từ 10 đến 15 phút vào buổi trưa để ngồi tĩnh toạ, hoặc quan sát hơi thở hoặc nhẩm một từ nhất định ở thì thở ra. Điều này sẽ giúp thư giãn thần kinh và cơ, nảo bộ sẽ hoạt động hiệu quả hơn mà không gây buồn ngủ hoặc mệt mỏi như những trường hợp bình thường.
(Theo Ykhoa.net)
Ý kiến bạn đọc [ 0 ]
Ý kiến của bạn