Quyền sư Trịnh Mạnh Thanh sống vào thời Dân Quốc ở Trung Hoa là người tài hoa, tinh thông cả năm môn: quyền thuật, y học, kỳ pháp, thư pháp, thi và họa. Hồi tóc còn để chỏm, tiên sinh đã mắc chứng bệnh chân mềm nhũn (nhuyễn cước phòng thống) uống cả trăm thứ thuốc cũng vô hiệu, nhờ tập Dịch Cân Kinh mà khỏi. Đến 20 tuổi tiên sinh mắc phải bệnh phổi nặng đến nỗi nôn ra máu, nhờ thuốc men và chuyên cần tập Thái cực quyền mới khỏi bệnh.
Bấy giờ Trịnh tiên sinh còn trẻ, ham chơi, thấy hết bệnh rồi không tập nữa. Đến khi bệnh phổi tái phát, tiên sinh mới tỉnh ngộ, rằng nếu thân thể bạc nhược thì dù tài năng đến mấy cũng chẳng thi thố gì được, bèn tập quyền mấy tháng là bệnh khỏi hẳn.
Từ đó trở đi, không ngày nào gián đoạn công phu luyện tập Thái cực quyền, thân thể mỗi ngày một tráng kiện, thần khí cực kỳ sung mãn, đến nay giới võ thuật còn truyền tụng kỳ tích võ học của tiên sinh. Tiên sinh nguyện đem sở đắc về Thái cực quyền học hỏi được từ tôn sư Dương Trừng Phủ ghi lại trong tác phẩm Trịnh Tử thái cực quyền thập tam niên truyền bá rộng rãi cho mọi người. Dưới đây xin trích đăng một thiên trong tác phẩm này để giới thiệu cùng bạn đọc.
Thiên thứ 3 – Chuyên khí trí nhu
Thái cực quyền là môn quyền thuật trên cơ sở Dịch lí và Huyền học của Đạo gia. Tương truyền đạo sĩ Trương Tam Phong phái Võ Đang thời Tống mạt là người sáng lập môn quyền pháp này. Cũng có người cho rằng Thái cực quyền là gia học của dòng họ Trần ở làng Trần Gia Câu, huyện Ôn, tỉnh Hà Nam (Trung Quốc).
Điểm đặc sắc của Thái cực quyền là Khí trầm đan điền.
Khí trầm đan điền là công phu cơ sở của cái gọi là “Chuyên khí trí nhu” và “Cường bạo giả, tử chi đồ; nhu thuận giả, sinh chi đồ”. Tức là phép dưỡng sinh bảo mệnh đòi hỏi thực hiện lối sống “nhu thuận rất mực”. Muốn đạt được “nhu rất mực” thì trước hết phải chuyên tâm vào khí. Chuyên tâm vào khí là trầm khí xuống chỗ tốt nhất của nó là Đan Điền.
Khí thường hay trầm xuống Đan Điền là ứng với quẻ “Thuỷ hoả ký tế” trong Kinh Dịch, tức là ứng với hiện tượng “khảm li giao nhau”. Li là tâm hoả bốc lên, khảm là thận thuỷ thấm xuống; thuỷ hoả đi ngược chiều nhau, tính chất của chúng là nhu thuận và cương cường đối ngược nhau.
Thuỷ ở trong thân thể con người rất nhiều, chiếm tỉ trọng đến 7/10 trọng lượng toàn thân.
Hoả chia làm hai: quân hoả và tướng hoả. Theo Hậu thiên dịch đồ, li là quân hoả, là thực hoả. Theo sách Nội kinh, mệnh môn hoả là tướng hoả, là hư hoả.
Ngũ tạng lục phủ và toàn thân không chỗ nào mà hoả khí, do tác động của quân hoả và tướng hoả, không đi đến được. Hoả khí thịnh quá thì gây bệnh. Trung y gọi chỗ ấy là hoả quá vượng, Tây y gọi chỗ ấy bị viêm. Như vậy đủ thấy khi thân thể bình thường vô bệnh thì hoả khí tản mạn khắp châu thân cũng không làm giảm được sự ngưng tụ của thuỷ khí. Thân thể thiếu thuỷ khí thì khô héo, thiếu hoả khí thì chức năng vận hoá tồi tệ. Cho nên thuỷ khí và hoả khí đều không thể thiếu mà cũng đều không nên quá vượng.
Nếu cứ để mặc cho thuỷ hoả nương theo tính chất của chúng mà mặc sức bốc lên và trầm xuống, tức là hiện tượng mà Kinh Dịch gọi là “hoả thuỷ vị tế” thì chúng làm gì có được cái dụng lâu dài? Lão Tử đọc Dịch ngộ được cái lí đơn giản của Dịch mới đưa ra kiến giải “Chuyên khí trí nhu” tức là phép trầm khí xuống đan điền nhờ tập trung chú ý vào đan điền.
Theo Huyền học của Đạo gia, Đan Điền là lò luyện nội đan. Tâm hoả ở trong lò, thận thuỷ ở trên lò, ấy là hoả làm ấm thuỷ, không để cho thuỷ thấm xuống gây rối loạn, mà ngược lại còn làm cho hoả khí và thuỷ khí hợp lại thành chân khí đầy lợi ích.
Thuỷ ở trên hoả ở dưới, tức là nhờ có thuỷ mà hoả lập nên công cán, hoả không bốc lên gây hại, mà ngược lại bốc lên làm ấm thuỷ. Kinh Dịch gọi tình hình này là “thuỷ hoả ký tế”, khảm li giao nhau đã viên mãn rồi vậy.
Đan Điền có thể ví như một túi khí. Nếu khí không trầm xuống Đan Điền thì túi ấy lép xẹp; do đó, tuy có Đan Điền cũng vô dụng. Bấy giờ dù cho tâm hoả ra sức tác động thì cũng nhọc nhằn mà chẳng nên công cán gì. Nếu tâm và khí không tương thủ ở Đan Điền thì tâm ấy như bèo giạt mây trôi không định hướng, làm thế nào khí xuống đến Đan Điền được? Cho nên chuyên tâm trầm khí xuống đan điền phải kết hợp với công phu tập trung tinh thần vào Đan Điền mới có thể đạt được lối sống “nhu rất mực”.
Thái cực quyền luận nói: “Dĩ tâm hành khí, dĩ khí vận thân, khí biến chu thân”. Phải bắt đầu từ công phu Khí trầm đan điền rồi mới tiến đến công phu Vận khí hành khí. Đây chỉ là một hiệu dụng trong công phu Chuyên khí mà thôi.
Còn lợi ích cũng như mục đích của Chuyên khí thì như thế nào? Xin thưa, Lão Tử đã nói rõ: “Chuyên khí trí nhu, năng anh nhi hồ? (Thực hiện được sự Chuyên khí trí nhu sẽ như trẻ thơ vậy đó). Trẻ thơ là mầm non của loài người, như sông dài dằng dặc, như biển rộng mênh mông, là sự sống mãnh liệt của các loài cỏ mọc quanh nhà. Từ tráng đến lão không còn thấy dòng sông cuồn cuộn miên man nữa, tức là trở nên cứng giòn dễ gãy vỡ, gần tới cõi chết.
Như vậy, những người già nua còn có thể trở về trạng thái trẻ thơ được chăng? Thân thể
của trẻ thơ là thể thuần dương hỗn nhất, thuần dương thời khí vượng, khí vượng thì huyết đầy đủ. Khí vượng huyết đầy thời gân cơ mềm mại dẻo dai. Mềm mại dẻo dai là đặc trưng của trẻ thơ.
Kẻ già nua muốn cải lão hoàn đồng thì còn cách gì tốt hơn công phu Chuyên khí trí nhu phải không? Thế mới biết muốn bơi ngược cơn sóng cuồng sắp ập đến, muốn nối lại dòng sinh mệnh sắp đứt, đều không ngoài công phu Thuỷ hoả ký tế. Đó chính là mục đích của Chuyên khí trí nhu vậy.
Tác phẩm Thái cực quyền luận ở các dòng đầu có viết: “Khí nghi cổ đãng, thần nghi nội liễm”, sau cùng lại nói: “Ý tại tinh thần, bất tại khí, tại khí tắc trệ. Hữu khí tắc vô lực, vô khí tắc thuần cương”. Thật là đủ rõ vậy.
Cổ đãng tức là sự đun đẩy giữa khí của ta và không khí, có cổ đãng mới nói đến việc vận khí, hành khí đi khắp châu thân. Thần có nội liễm mới bước được vào ngưỡng của công phu Chuyên khí.
Thực hiện công phu Chuyên khí rất mực thì mới có thể luyện tinh hoá khí. Luyện được tinh hoá khí thì cũng chưa đạt tới tình trạng thuần dương hỗn nhất. Chỉ khi đạt được tình trạng “ý tại tinh thần bất tại khí, vô khí tắc thuần cương”, thì bấy giờ mới đạt đến chỗ rốt ráo: luyện khí hoá thần và luyện thần hoàn hư, trạng thái thuần dương hỗn nhất, tức là công phu Chuyên khí trí nhu như Lão Tử đã nói.
Làm được như vậy thì việc ngừa bệnh tật tăng tuổi thọ chỉ là việc cỏn con mà thôi.
(Trích từ tài liệu khí công Trung Quốc)
Ý kiến bạn đọc [ 0 ]
Ý kiến của bạn