Troyes - lần theo dấu vết thần thoại Hy Lạp

Thứ Năm, 22 tháng 3, 2012
Chắc hẳn bạn còn nhớ bộ phím « chiến tranh thành Troyes » do Bratt Pit đóng? Hoặc có khi phải lục lại quyển văn học hồi cấp hai, hình như có phần nói về sử thi thần thoại Hy Lạp thì phải. Mình còn nhớ hồi đó bị xơi trứng ngỗng phần đó mà.  Thôi không nhắc tới quá khứ đau buồn đấy nữa, quay trở lại với thực tại, tôi đã có dịp khám phá một trong những khu khảo cổ nổi tiếng nhất của Thổ Nhĩ Kỳ, một địa danh pha lẫn giữa truyền thuyết và sự thật. Nhưng trước hết, hãy ôn lại một chút về lịch sử 




Chiến tranh thành Troyes
Trong một bữa tiệc các vị thần, một quả táo xanh được đưa ra và để dành cho nữ thần xinh đẹp nhất. Ba bà la sát tranh nhau : nữ thần sắc đẹp, nữ thần chiến tranh và vợ cả của thần Zeus. Ông này khôn lỏi trốn tránh trách nghiệm là trọng tài và đùn đẩy cho hoàng tử Paris của thành Troyes. Ba bà nữ thần nịnh nọt Paris và nói rằng sẽ trọng thưởng nếu anh bầu là nữ thần đẹp nhất. Nữ thần chiến tranh thì hứa sẽ cho sức mạnh vô biên, vợ thần Zeus hứa sẽ cho quyền lực vô tận và nữ thần sắc đẹp thì hứa sẽ ban cho một người phụ nữ đẹp nhất Châu Âu. Paris ham sắc nên nhắn tin chọn số 3. Khổ nỗi người đàn bà đẹp đó lại đang là vợ của Menelas, vua của vương quốc Sparta (Hy Lạp). Bị cướp vợ, Menelas nổi cáu và khởi binh đánh thành Troyes. Cuộc chiến tranh kéo dài liên miên và phải chờ đến một mẹo vặt cuối cùng thì thành Troyes mới sụp đổ : quân Sparta sử dụng một con ngựa bằng gỗ khổng lồ để bỏ trước cổng thành. Quân Troyes tưởng đây là chiến lợi phẩm nên rước vào thành. Có ai ngờ đâu là bên trong bụng con ngựa là hơn chục binh sĩ Sparta đang chờ chực màn đêm buông xuống mở toang cổng thành. Thế là đi đời vương quốc Troyes.

Quay trở lại với sự thật
Thật không may mắn là tại địa điểm được cho là có tồn tại vương quốc Troyes, chẳng còn gì được cho là nhân chứng hùng hồn của nền văn minh Hy Lạp cổ đại hay chận triến kinh điển qua lời kể của Hômêrơ.  Trong toàn bộ khu khảo cổ, những di tích thực ra quá nhỏ bé và không đủ để tạo ra một sự mường tượng xứng đáng với quá khứ hào hùng. Tuy nhiên, vì là một fan nhiệt tình của lịch sử, tôi vẫn cảm thấy nơi đây có một cái gì đó huyền ảo. Để có được sự chuẩn bị tốt nhất, tôi đã đọc không ít tài liệu liên quan đến các cuộc khai quật và tìm kiếm lại sự tồn tại của vương quốc Troyes. Và những tài liệu đó cũng sinh động không kém gì sử thi Iliát. 
Con ngựa gỗ thành Troyes được đóng vào năm 1975 nhằm thu hút khách du lịch
 Có thể thành Troyes không có thật nhưng những miêu tả khá cụ thể của Hômerơ đã cho phép các nhà khảo cổ học định vị và tiến hành khai quật, qua đó cũng tìm được một số câu trả lời thú vị. Sau một cuộc khai quật do Heinrich Schliemann tiến hành vào năm 1870, người ta tìm thấy một số di tích trên ngọn đồi Hissarlik và rộ lên những chủ đề bàn tán xung quanh  sự tồn tại thật sự của thành Troyes. Kể từ đó, liên tục có những cuộc khai quật khác. Cho đến ngày nay, nhiều nhà khảo cổ  vẫn tin rằng thành Troyes là có thật, nhưng phần lớn là do những lý do…kinh doanh.

 
Theo sử sách, có đến 9 thành thị cổ đại xây trồng chất lên nhau. Thành thị này bị phá thì thành thị sau lại được xây lên trên chính vị trí của thành thị trước. Phần cổ nhất cũng phải 3000 năm tuổi. Và theo các chuyên gia, phần thành thị tương ứng với cuộc chiến thành Troyes rơi vào phần thứ 7 tức là khoảng 1200 năm trước công nguyên.  Điều đó đủ đẻ chứng minh rằng đây là một địa danh giàu tính lịch sử, nơi mà tại mọi thời đại người ta phải chiến đấu đến cùng để chiếm giữ lấy nó. 


 Theo như phỏng đoán của các nhà khảo cổ, sự biến mất của thành Troyes có thể là do thảm họa thiên nhiên, một cuộc động đất quy mô lớn. Mà cái hồi mà ông Hômêrơ sống (thế kỷ IV trước công nguyên) là hay giàu chí tưởng tượng lắm, cứ thiên tai hay đại loại là lại đổ tội cho ông trời hay ma lực. Thế nên việc Troyes bị phá hủy được giải thích theo kiểu như sau : con ngựa gỗ được ban tặng cho thần biển như là một món quà tế và để cảm tạ cho lòng thành đó vị thần này làm phép cho động đất làm sụp đổ thành Troyes.


Khó có thể tin được rằng tại một nơi yên bình thế này lại từng là nơi xảy ra cuộc chiến tranh khốc liệt nhất lịch sử cổ đại Châu Âu, 10 năm !! Bỗng nhiên tôi lại nhớ đến trò chơi « Age of Empires »

Xem thêm bài viết cùng chuyên mục:

Ý kiến bạn đọc [ 0 ]


Ý kiến của bạn