Cuộc “đổi đời” ngoạn mục của những bệnh nhân suy tạng

Thứ Sáu, 9 tháng 3, 2012
Thứ Sáu, 09/03/2012 - 07:30

(Dân trí) - Từ những người bệnh suy tạng đến mức đi không vững, nói không ra hơi, dăm ba bữa lại phải đến viện cấp cứu vì hôn mê, cái chết có thể đến bất cứ lúc nào… họ trở nên khỏe mạnh, trở lại công việc như bao người bình thường khác khi được ghép tạng. >> Một người chết não hiến tạng, bốn người được cứu
 >> Việt Nam làm chủ kỹ thuật ghép tạng, sánh ngang thế giới
Vực thẳm cuộc đời!
Chị Trần Thị Ánh Hường (37 tuổi ở Cầu Giấy, Hà Nội) bị suy thận mãn 8 năm nay. Năm 2004, lần đầu tiên phát hiện bị suy thận độ 3 và phải bước vào chạy thận lọc máu tuần 3 lần, chị suy sụp, bỏ làm, không muốn đến bệnh viện điều trị. Khi những cơn đau ngày càng dồn dập, suy kiệt đến mức nằm một chỗ, không thể tự đi tiểu tiện được, huyết áp tăng vọt, những cơn đau đầu, đau xương khớp hành hạ…, chị nghĩ tới tự sát.
 
Chị Hường ao ước có được cuộc sống đúng nghĩa, không phải gắn liền với bệnh viện, máy móc...
 
“Đúng giây phút định từ bỏ cõi đời, con gái tôi khi đó mới 7 tuổi hét lên đòi bố đi tìm mẹ. Nghe thấy giọng con, tôi bừng tỉnh. Mình phải sống, phải vượt qua những đau đớn, khó khăn đó, sống vì con”, chị Hường không giấu nổi sự xúc động chia sẻ.
Theo chị Hường, chỉ những ai ở trong hoàn cảnh đó, khi được bác sĩ thông báo và giải thích về bệnh trạng, mới hiểu hết tâm trạng của người bệnh. Căn bệnh như một án “tử hình”, không phải vì vô phương cứu chữa mà là “cái chết” trong tư tưởng. Người bệnh trải qua rất nhiều trăn trở, về gánh nặng tiền bạc bởi phải chạy thận gần như đồng nghĩa với nghỉ việc và cuộc sống gắn liền với bệnh viện. Tiền thì tiêu tốn rất nhiều mà lại không làm ra tiền, dễ dẫn đến những suy nghĩ tiêu cực.
“Mình may mắn đã vượt qua được giai đoạn khủng hoảng đó để chiến đấu với bệnh tật, trải qua 8 năm gắn bó với máy móc, bệnh viện. Giờ mình chỉ ao ước, mong mỏi được ghép tạng để có một cuộc sống đúng nghĩa, không còn phải phụ thuộc máy móc. Ao ước được ghép thận để có thể đi xa đâu đó chỉ 3 ngày… nhưng mơ ước vẫn chỉ là mơ ước vì đăng kí ghép tạng mấy năm nay nhưng vẫn chưa có nguồn hiến tạng.
Chia sẻ về hoàn cảnh của danh sách dài những bệnh nhân đăng ký ghép tạng tại bệnh viện Việt Đức, PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết cho rằng: “Quả thực, chỉ những ai có người nhà bị các bệnh về tạng như suy tim, suy gan, suy thận mới thấu hiểu nỗi mong ngóng của người bệnh về một điều kỳ diệu: có người hiến tạng để họ thoát khỏi cảnh “cái chết được báo trước”. Không có điều gì bi kịch hơn với những người bệnh này, họ nằm mỏi mòn chờ đợi và phần lớn đều ra đi trong sự tuyệt vọng...”.
Một cuộc sống mới!
Gặp bác Nguyễn Minh Đức (68 tuổi ở Hà Nội tại Lễ mít ting hưởng ứng ngày thế giới phòng chống bệnh thận Hiến tạng - mô - sự hồi sinh sự sống diễn ra sáng nay (8/3) tại BV Việt Đức, nhiều người biết bác trước khi được ghép tạng ngỡ ngàng vì sự đổi thay rõ rệt. Không còn là một ông già ốm yếu hom hem, huyết áp tăng vao vòn vọt, khi thì tụt xuống thấp, cái chết có thể đến bất cứ lúc nào… mà thay vào đó là một người khỏe khoắn, đi lại nhanh nhẹn, ngày nào cũng tập 2 tiếng thể dục, tham gia các hoạt động tại khu nhà đều đặn.
 
Đã 68 tuổi, nhưng bác Đức vẫn chạy bộ, đạp xe, bơi lội hàng ngày...
Nghe những lời tâm sự của chị Hường tại lễ mít-tinh, bác Đức cũng không giấu nổi những giọt nước mắt nói: “Tôi hiểu nỗi mong ngóng của họ, bởi cách đây gần 2 năm, tôi cũng trong tâm trạng của người bệnh chờ được ghép thận”.
Năm 2009, khi phải chạy thận tại bệnh viện Việt Đức và được thông báo quá trình này khó có thể kéo dài, chỉ có ghép thận mới cứu được bệnh nhân, người nhà bác Đức đã tìm rất guồn thận để ghép nhưng quá trình vất vả, mất nhiều công sức ấy không đem lại kết quả. Rồi chính tại bệnh viện, khi ghi vào danh sách thực hiện đề tài ghép tạng từ người chết não, may mắn đã mỉm cười với bác Đức khi có một bệnh nhân chết não được người nhà đồng ý hiến tạng. Và bác là 1 trong những trường hợp đầu tiên được ghép thận từ người chết não tại bệnh viện Việt Đức (tháng 5/2010).
“Đến nay tôi có thể nói, đó là cuộc đổi đời. Vì nhìn tôi của hiện tại, các bạn không thể hình dung nổi tôi của ngày xưa. Tôi của hiện tại khỏe khắn, yêu đời còn trước kia hoàn toàn ngược lại, yếu ớt, tuyệt vọng…Tôi biết mình là một trong những người hiếm hoi, may mắn được ghép thận từ người chết não. Tôi cũng biết phong tục tập quán người Việt chúng ta, đặc biệt về tâm linh không cho phép thân nhân những người chết não được hiến tạng cho những người còn sống mà có bệnh hiểm nghèo để cứu sống họ. Thay mặt những người đang chờ ghép, mong mỏi thân nhân của những người chết não vượt qua được hàng rào phong tục tập quán, tâm linh để hiến tạng của người thân bị chết não để cứu những người đang… chờ chết nhưng có thể cứu được bằng những tạng của người chết não.
Một cuộc sống mới cũng thực sự đến với bác Nguyễn Văn Giác (59 tuổi ở Hải phòng) khi bác được ghép tim từ người cho chết não. Từ chỗ phải ngồi trên xe lăn, không tự đi lại được, gầy yếu hơn 40kg… vì bị suy tim thì sau khi được ghép tim, bác như… con ngựa vì không cho mình ngồi yên được lúc nào.
 
Bác Giác "phong độ" hơn rất nhiều so với thời ốm yếu trước khi được ghép tim
“Sáng nào tôi cũng dậy từ 6h sáng, ăn uống và đưa con trai đi học cách nhà 13km và đến trưa lại tới đón con về. Thời gian ở nhà tôi vẫn nhận làm nghề hàn xì và mọi sự cố hỏng hóc điện nước trong nhà tôi đều tự sửa. Làm việc đến bữa thì nghỉ, chứ tuyệt nhiên không thấy mệt, khỏe khoắn như một người bình thường”, bác Giác tâm sự.
“Tôi thấy mình là người quá may mắn. Trước khi được ghép tạng, tôi không hề biết về chuyện một trái tim của người khác lại có thể thay vào tim mình để mình sống lại. Vì thế, khi đã trải qua hoàn cảnh sống lại từ cõi chết. Tôi và những người thân của mình thực sự đổi thay trong tâm tưởng và sẵn sàng hiến tạng nếu gia đình mình không may có trường hợp chết não. Chết là hết rồi, có để cũng để làm gì. Toàn gia đình tôi đều nhất trí đồng ý hiến để cứu những người khác. Đã có những người hiến thì mình mới sống được như thế này thì nếu có cơ hội, mình cũng sẽ giúp người khác”, bác Giác chia sẻ.
Còn với anh Trần Văn Long (49 tuổi ở Hà Nội) ghép tạng từ 15/1/2012, anh cũng cảm nhận mình thực sự có cuộc sống mới. Từ cuộc sống phụ thuộc hoàn toàn vào máy móc, một tuần 3 buổi đến bệnh viện, hoàn toàn sinh hoạt gắn liền với bệnh viện thì nay anh đã đi làm trở lại, đi công tác cả tháng trời sức khỏe vẫn ổn định. “Rất cảm động và trân trọng với tấm lòng ‘của những người bệnh, thân nhân của gia đình hiến tạng. Với tôi, hành động thiết thực nhất là mình hưởng ứng phong trào hiến tạng để nhiều người bệnh khác có cơ hội tiếp cận với những nguồn tạng từ người chết não.
Bài và ảnh: Hồng Hải
Xem thêm bài viết cùng chuyên mục:

Ý kiến bạn đọc [ 0 ]


Ý kiến của bạn