QUYẾT ĐỊNH ĐẦU TƯ DỰA VÀO HIỆN GIÁ THUẦN NPV , VÀ TỶ SUẤT SINH LỢI NỘI BỘ IRR, 24 html

Thứ Bảy, 17 tháng 3, 2012
Giá trị tương lai là khái niệm dễ nắm bắt, vì hầu hết chúng ta đều hiểu được nguyên t ắc lãi kép. Tiền để càng lâu thì tỷ suất lãi kép càng cao hoặc giá trị tương lai càng lớn hoặc cả hai. Giá trị hiện tại của một khoản tiền tương lai ít quen thuộc và ít tính trực giác thế nhưng tại sao n hững người trong giới tài chính và các nhà quản lý hiểu biết đều sử dụng thường xuyên?

Mở rộng khái niệm của giá trị hiện tại thành hiện giá thuần NPV (Net present value) là giá trị tại thời điểm hiện nay của một hay toàn bộ dòng tiền trong tương lai được chiết khấu về hiện tại

Hiện giá thuần NPV (Net present value) = giá trị hiện tại của dòng tiền vào (thu) - giá trị hiện tại của dòng tiền ra (chi)

Hiện giá thuần (NPV) còn được xem là phương pháp tốt nhất để đánh giá khả năng sinh lời của dự án. Nếu NPV dương thì dự án được đánh giá khả thi. Khả thi bởi suất chiết khấu đã là chi phí cơ hội của dự án, vì vậy, nếu đã khấu trừ chi phí cơ hội mà vẫn có lời thì dự án có lợi tức kinh tế. Cho nên, khi đánh giá dự án bằng NPV cần quan tâm đến giá trị của suất chiết khấu (thường bằng với lãi suất của cơ hội đầu tư tốt nhất nhà đầu tư đặt được nếu không đầu tư vào dự án đang được đánh giá. NPV dương sẽ thể hiện kết quả đầu tư có lời bởi giá trị của dòng tiền mặt sau khi khấu hao đã cao hơn mức đầu tư ban đầu.

Thực tế kinh doanh luôn rất phức tạp, các dự án đầu tư hiếm khi gói gọn ngay tại thời điểm bắt đầu và các dòng tiền thường không tuân theo một quy tắc nào: số này dương, số khác âm – theo thời gian. Thêm vào đó, rất khó hoặc thậm chí không thể ước tính được chính xác dòng tiền trong tương lai sẽ như thế nào và khi nào dòng tiền đó sẽ chấm dứt. Vì vậy, phương pháp NPV đòi hỏi tính toán chính xác chi phí (nguyên vật liệu, nhân công, tiếp thị, và tất cả các chi phí khác) liên quan mà điều này thường khó thực hiện đối với các dự án có đời sống dài.

Giá trị của NPV sẽ được nâng lên nếu NPV của một khoản đầu tư được tính đến trong những trường hợp tệ hại nhất, trường hợp có khả năng xảy ra nhất và trường hợp tốt đẹp nhất. Phương pháp này sẽ nắm bắt được phạm vi quan điểm rộng lớn hơn trong một tổ chức về doanh số đơn vị sản phẩm trong tương lai, các chi phí sản xuất khác nhau và các giả định khác nhau.

Tỷ suất sinh lợi nội bộ (IRR)

Tỷ suất sinh lợi nội bộ (IRR) là một công cụ quan trọng trong số những cách thức mà các nhà quản lý có thể sử dụng để quyết định có nên tập trung toàn lực cho một cơ hội đầu tư cụ thể, hay phân loại tính hấp dẫn của nhiều cơ hội khác nhau. Để tính IRR, chúng ta cần xác định tỷ suất chiết khấu sẽ làm giảm NPV = 0. IRR chính là tỷ suất chiết khấu đó. Tuy nhiên, nhờ ứng dụng trên máy tính tài chính và bảng tính trên máy vi tính cá nhân, việc tính IRR trở nên dễ dàng hơn. Điều quan trọng là hiểu ý nghĩa của IRR. Nếu giá trị này lớn hơn giá trị suất chiết khấu (chi phí cơ hội) thì dự án được đánh giá khả thi.

Hiểu một cách chung nhất, tỉ lệ hoàn vốn nội bộ càng cao thì khả năng thực thi dự án là càng cao. IRR còn được sử dụng để đo lường, sắp xếp các dự án có triển vọng theo thứ tự, từ đó có thể dễ dàng hơn trong việc cân nhắc nên thực hiện dự án nào. Nếu giả định rằng tất cả các yếu tố khác của các dự án là như nhau thì dự án nào có tỉ suất hoàn vốn nội bộ cao nhất thì dự án đó có thể được ưu tiên thực hiện đầu tiên.

Ý nghĩa cốt lõi của IRR là cho nhà đầu tư biết được chi phí sử dụng vốn cao nhất có thể chấp nhận được. Nếu vượt quá thì kém hiệu quả sử dụng vốn. Nhược điểm của IRR là không được tính toán trên cơ sở chi phí sử dụng vốn do đó sẽ có thể dẫn tới nhận định sai về khả năng sinh lời của dự án. Nhà đầu tư sẽ không biết được mình có bao nhiêu tiền trong tay. Tỷ suất thu nhập nội bộ (IRR) là một công cụ nữa mà các nhà đầu tư có thể sử dụng để quyết định có nên tập trung toàn lực cho một dự án cụ thể, hay phân loại tính hấp dẫn của nhiều dự án khác nhau.

Vậy nên sử dụng NPV hay IRR để đánh giá quyết định đầu tư của dự án?


Nhìn chung, IRR thì dễ hình dung vì tỷ lệ % cụ thể, NPV thể hiện bằng tiền nên khó diễn dịch. Vì vậy người ta dùng cả 2 cách để đánh giá mức độ khả thi của dự án đầu tư. Tuy nhiên, có rất nhiều trường hợp thì IRR lại không hiệu quả bằng NPV trong việc tính toán và chiết khấu dòng tiền. Hạn chế lớn nhất của IRR cũng chính là ưu điểm của nó: chỉ sử dụng một tỷ lệ chiết khấu duy nhất để đánh giá tất cả các kế hoạch đầu tư.

Nếu tiến hành đánh giá hai dự án đầu tư cùng sử dụng chung một tỷ lệ chiết khấu, cùng dòng tiền tương lai, cùng mức độ rủi ro, và cùng có thời gian thực hiện ngắn, IRR là một cách đánh giá hiệu quả. Tuy nhiên bản thân tỷ lệ chiết khấu lại là một nhân tố động, nó luôn biến đổi theo thời gian. Nếu không có sự điều chỉnh, phương pháp này sẽ không phù hợp với các dự án dài hạn.

Một hạn chế nữa trong việc áp dụng IRR là phải biết được tỷ lệ chiết khấu của dự án. Để tiến hành đánh giá dự án thông qua IRR thì ta phải so sánh nó với tỷ lệ chiết khấu. Nếu IRR cao hơn tỷ lệ chiết khấu thì dự án là khả thi. Không biết tỷ lệ chiết khấu hoặc tỉ lệ chiết khấu vì lý do nào đó không thể áp dụng cho dự án thì phương pháp IRR sẽ không còn giá trị.

Để khắc phục những hạn chế của phương pháp IRR ta có thể sử dụng NPV

Ưu điểm của việc sử dụng NPV đó là phương pháp này cho phép sử dụng các tỷ lệ chiết khấu khác nhau mà không dẫn đến sai lệch. Đồng thời cũng không cần phải so sánh NPV với chỉ số nào khác, nếu như NPV lớn hơn 0 có nghĩa là dự án là khả thi về mặt tài chính.

Vậy thì tại sao IRR vẫn được sử dụng phổ biến hơn trong việc tính toán phân bổ nguồn vốn?

Phương pháp IRR đơn giản hoá dự án thành một con số duy nhất từ đó nhà quản lý có thể xác định được liệu dự án này có kinh tế, có khả năng đem lại lợi nhuận hay không. Nhìn chung thì IRR là phương pháp đơn giản nhưng đối với các dự án dài hạn có dòng tiền khác nhau và tỷ lệ chiết khấu khác nhau, các dự án có dòng tiền không ổn định, thì IRR không phải là chỉ số tốt mà NPV mới chính là sự lựa chọn đúng đắn. Vì vậy, khi so sánh hiệu quả của các dự án, cần xem xét bản chất của ngành nghề kinh doanh và chi phí vốn bỏ ra ban đầu để có những so sánh kết luận chính xác.

Theo “Tài chính dành cho người quản lý” – Cẩm nang kinh doanh Havard
Xem thêm bài viết cùng chuyên mục:

Ý kiến bạn đọc [ 0 ]


Ý kiến của bạn